Đại dịch Covid-19 đang bước vào năm thứ 3, gây ảnh hưởng tất cả mọi lĩnh vực trong đời sống. Tuy nhiên, công nghệ thông tin (CNTT) lại là một trong những lĩnh vực phát triển mạnh với nhiều đột phá góp phần đổi thay cuộc sống.
Ngành công nghệ thông tin thu hút thí sinh |
Trong chương trình tư vấn trực tuyến "Chọn ngành học cho tương lai: Công nghệ thông tin, những điều thí sinh chưa biết" do Báo Thanh Niên tổ chức ngày 10.3, các chuyên gia cung cấp cho thí sinh nhiều thông tin cụ thể về ngành học này khi trong giai đoạn sắp tới.
Các chuyên gia trong chương trình tư vấn trực tuyến "Chọn ngành học cho tương lai: Công nghệ thông tin, những điều thí sinh chưa biết" do Báo Thanh Niên tổ chức ngày 10.3 LÊ THANH HẢI |
"Học tốt thì ra trường sẽ có việc làm"
Tiến sĩ Lê Xuân Trường |
Tiến sĩ Lê Xuân Trường, Phó hiệu trưởng – Trưởng khoa CNTT Trường ĐH Mở TP.HCM, chia sẻ: "CNTT là nhóm ngành hot và được dự đoán là ngành lâu dài trong tương lai, để đào tạo nhân lực chất lượng cao phục vụ cho các ngành nghề khác. Chẳng hạn, lập trình viên phải biết cách phát triển các sản phẩm CNTT để phục vụ những ngành nghề khác".
Theo tiến sĩ Trường, với việc đào tạo như hiện nay thì không đáp ứng đủ nhân sự ngành CNTT trong khoảng 5 – 10 năm tới. "Do đó, nếu sinh viên CNTT học tốt thì ra trường sẽ có việc làm. Tuy nhiên, lĩnh vực này khó nên sinh viên phải học chăm chỉ và cố gắng thì mới thành công, đòi hòi có năng lực thật sự và có kỹ năng nghề nghiệp", ông Trường lưu ý.
"Nhu cầu nhân lực rất cao"
Thạc sĩ Cao Quảng Tư |
Thạc sĩ Cao Quảng Tư, Giám đốc Tuyển sinh Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn, chia sẻ: "CNTT là nhóm ngành đang có xu hướng phát triển và nhu cầu nhân lực rất cao và luôn nằm trong tốp đầu những ngành có lương và thu nhập cao".
Tuy nhiên, không phải ai cũng học tốt CNTT và sinh viên phải có tư duy toán học, tư duy logic tốt nên phải học khá giỏi môn toán. "Do đó, thí sinh cần tỉnh táo khi lựa chọn học CNTT, nếu học lực môn toán trung bình thì nên cân nhắc", ông Tư lưu ý.
Theo thạc sĩ Tư, Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn có 4 chuyên ngành trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, mạng máy tính, kỹ thuật phần mềm, nếu sinh viên năm thứ 3 có học lực khá thì ngay năm này có việc làm và có lương. Trường này có mục tiêu giúp sinh viên tiếp cận thực tế càng sớm càng tốt, tham gia nhiều dự án ngay ở năm 2.
"Số lượng thí sinh đăng ký nguyện vọng rất cao"
Thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên |
Thạc sĩ Phạm Doãn Nguyên, Giám đốc Trung tâm tư vấn tuyển sinh Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM, cho biết: "CNTT là nhóm ngành có số lượng thí sinh đăng ký nguyện vọng rất cao và hầu như các trường đều có đào tạo".
Hiện Trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP.HCM đào tạo theo mô hình quốc tế, hỗ trợ đào tạo tiếng Anh và kết nối với các công ty. Riêng đối với nhóm ngành CNTT, thí sinh có thể nhận được chương trình học bổng 30% từ doanh nghiệp mà không bắt buộc duy trì số điểm.
Thí sinh chọn ngành CNTT cần căn cứ năng lực cá nhân
Tiến sĩ Hà Thúc Viên |
Tiến sĩ Hà Thúc Viên, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Việt Đức, cho biết: "CNTT hiện hữu trong mọi ngóc ngách của đời sống, xã hội. Tuy nhiên, không phải ai cũng thành công. Vì vậy, khi lựa chọn CNTT, thí sinh không nên chỉ vì thấy ngành này hot, lương cao, mà phải căn cứ vào sở thích, năng lực cá nhân".
Trường ĐH Việt Đức có 2 ngành liên quan CNTT gồm khoa học máy tính và kỹ thuật điện và kỹ thuật máy tính. Theo tiến sĩ Viên, Trường ĐH Việt Đức có 5 phương thức xét tuyển: xét điểm kiểm tra năng lực TestAs; xét học bạ, xét điểm thi tốt nghiệp THPT, xét tuyển thẳng học sinh có kết quả trong các cuộc thi học sinh giỏi quốc tế, quốc gia; xét học sinh tốt nghiệp tú tài quốc tế hoặc điểm đánh giá năng lực quốc tế như SAT… Trường giảng dạy toàn bộ bằng tiếng Anh nên yêu cầu IELTS 5.0 hoặc tương đương.
Tiến sĩ Viên thông tin thêm: "Sinh viên Trường ĐH Việt Đức còn có cơ hội sang Đức học qua học bổng của Viện Trao đổi Hàn Lâm Đức hoặc qua các chương trình trao đổi sinh viên. Trường cũng có học bổng tài năng, với tỷ lệ gần 30% sinh viên được trao học bổng của Viện Trao đổi Hàn lâm Đức, học bổng từ doanh nghiệp…".
Thí sinh lo ngại có quá nhiều người theo học CNTT
Một học sinh băn khoăn không biết sau 4 năm nữa khi ra trường ngành này còn nhiều việc làm không vì bây giờ có rất nhiều người theo học ngành này?
Đáp lại, tiến sĩ Trường dẫn lại những báo cáo của chính phủ cùng các tổ chức nghiên cứu về nghề nghiệp cho thấy CNTT là nhóm ngành được ưu tiên phát triển nên chắc chắn trong tương lai sẽ có rất nhiều cơ hội việc làm. Tiến sĩ Trường thông tin thêm Trường ĐH Mở TP.HCM đào tạo khoa học máy tính, công nghệ thông tin và hệ thống thông tin quản lý, đồng thời duy trì chính sách học bổng, dành 20 tỉ đồng cho sinh viên năm nhất.
Thị trường đang thiếu 190.000 nhân lực CNTT
“Hiện có hơn 100 trường ĐH đào tạo CNTT. Mỗi năm các trường chỉ cung cấp 50.000 kỹ sư trong khi dự kiến thị trường đang thiếu 190.000 nhân lực cho lĩnh vực CNTT. Trong 10 năm tới, nhân lực sẽ vẫn đang rất hot", thạc sĩ Tư cho biết.
Thạc sĩ Tư lưu ý, nếu có học lực khá trở lên từ năm 2, sinh viên của Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn có thể tham gia những dự án có lương, có việc làm thêm và thu nhập đủ trang trải cuộc sống của mình. Từ năm 2021, Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn là một trong những trường ĐH tiên phong thành lập Trung tâm nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo với rất nhiều mô hình về robot, máy móc…
Bên cạnh đó, CNTT là nhóm ngành ưu tiên nên Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn có chính sách học bổng đặc biệt: 100% cho thí sinh có điểm thi tốt nghiệp THPT 25 điểm trở lên, hoặc học lực năm lớp 12 đạt giỏi và tổ hợp 3 môn đạt 25 trở lên, hoặc đạt 950 điểm Kỳ thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM. Ngoài ra còn các mức học bổng 60%, 40%…
Thạc sĩ Nguyên lưu ý mức lương trung bình cho một sinh viên CNTT mới tốt nghiệp là từ 9-12 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, trong xu hướng phát triển hiện nay, các ngành đều sẽ có sự thay đổi và sự chênh lệch của mức thu nhập ở nhóm ngành này là khá xa nên sẽ phụ thuộc vào năng lực cá nhân.
Cần sự sáng tạo nếu theo ngành CNTT
Thạc sĩ Viên, chia sẻ: “Trường ĐH Việt Đức hướng đến đào tạo sinh viên có tính kỷ luật cao để có thể làm việc trong môi trường chuyên nghiệp. Bên cạnh đó là năng lực sáng tạo, các em được khuyến khích sáng tạo trong quá trình học tập".
"Hệ thống giáo dục Đức đào tạo cho các em nền tảng kiến thức cập nhật liên tục không bị lạc hậu, có năng lực học tập thích ứng với sự thay đổi nhanh chóng của xã hội. Ở năm học thứ 3 dựa vào năng lực, sinh viên có thể chọn chuyên ngành, đi sâu vào chuyên môn hẹp, chẳng hạn trí tuệ nhân tạo, an ninh mạng, lập trình… Trường gắn kết với doanh nghiệp, tạo cơ hội cho các em tiếp cận với thực tế”, ông Viên chia sẻ.
Thí sinh nên chọn phương thức xét tuyển nào?
Học sinh thắc mắc về việc nên chọn phương thức nào để xét tuyển, tiến sĩ Trường cho biết: "Thí sinh học giỏi thì phương thức nào cũng vào được, nhưng nếu bạn vào trước được thì sẽ chắc chắn hơn. Do đó, xét tuyển bằng học bạ sẽ lợi thế hơn vì bạn sẽ chủ động hơn rất nhiều".
Tương tự, thạc sĩ Nguyên lưu ý càng có nhiều phương thức xét tuyển thì thí sinh sẽ tiệm cận được với nhiều ngành nghề hơn, cánh cửa đại học rộng mở hơn. "Xét học bạ là phương thức biết kết quả sớm nhất, khi nhập học trước thì coi như đã được tiếp cận trước, làm quen trước như việc sinh ra trước thì sẽ làm anh", ông Nguyên chia sẻ.
Ngoài ra, thạc sĩ Tư lưu ý thí sinh chọn được ngành và đúng ngyện vọng thì sử dụng phương thức nào đều được, miễn là giúp các em có cơ hội trúng tuyển. Ông Tư nói thêm: "Thí sinh trúng tuyển bằng phương thức nào thì sinh viên cũng đều học chung một chương trình và tốt nghiệp bằng cấp như nhau".
—————————————————
Đăng ký học ngành: "Công nghệ thông tin"
Thông tin liên hệ: Trường Trung cấp Bách khoa Yên Bái
Địa chỉ: Số 6/31 đường Lê Văn Tám, P. Đồng Tâm, Tp. Yên Bái, tỉnh Yên Bái
SĐT: 02163890878
Email: trungcapbachkhoayenbai@gmail.com
Fanpage: @truongbachkhoayenbai
Nguồn: Thanh niên