Để đáp ứng yêu cầu cho năm học mới, ngành Giáo dục tỉnh Yên Bái đã huy động các nguồn lực để đảm bảo cơ sở vật chất đồng bộ, hiện đại, đồng thời củng cố và nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên.
Đến nay, ngành Giáo dục đã hoàn tất các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, nhất là bố trí đủ đội ngũ giáo viên, sẵn sàng đón học sinh tựu trường, với mục tiêu nâng cao chất lượng toàn diện dạy và học trong năm học mới.
Chuẩn bị chu đáo cơ sở vật chất
Năm học mới 2022-2023, ngành Giáo dục Yên Bái xác định là một năm học quan trọng trong lộ trình đổi mới giáo dục theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Trong đó, đặc biệt chú trọng tới công tác chuẩn bị các điều kiện cơ sở vật chất cho năm học mới đối với học sinh khối lớp 3, lớp 7 và lớp 10.
Hiện nay, toàn tỉnh có 6.784 phòng học mầm non và phổ thông đạt tiêu chuẩn, được trang bị các thiết bị học tập cần thiết, cơ bản đáp ứng đủ về số lượng phòng học cho năm học mới. Nhiều nhà trường được đầu tư phòng học tin học, phòng học tiếng Anh và phòng thí nghiệm để đáp ứng tiêu chí theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Ông Đào Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Yên Bái cho biết, toàn ngành tiếp tục thực hiện bộ tiêu chí “Trường học hạnh phúc” gắn với từng bước đầu tư cơ sở vật chất, chỉnh trang, tạo cảnh quan sư phạm xanh-sạch-đẹp đáp ứng tiêu chí trường đạt chuẩn quốc gia. Đồng thời, hoàn thành biên soạn tài liệu giáo dục và tổ chức lựa chọn sách giáo khoa lớp 3, lớp 7, lớp 10 đảm bảo tiến độ, theo đúng hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Cụ thể hóa các tiêu chí của Sở Giáo dục và Đào tạo, thành phố Yên Bái đã xây dựng mới 40 phòng học, nhà làm việc và các hạng mục phụ trợ khác, với tổng kinh phí trên 70 tỷ đồng để đảm bảo cho 22.900 học sinh bước vào năm học mới.
Các nhà trường rà soát, lập danh sách và hoàn thành việc mua sắm các trang thiết bị, đồ dùng dạy học cần thiết từ đầu tháng 8/2022.
Cô Phạm Mỹ Lan, Phó Hiệu trưởng Trường Trung học Cơ sở Nguyễn Du, thành phố Yên Bái cho biết, bên cạnh việc xây dựng mới các phòng học, nhà trường tăng cường đầu tư nhiều thiết bị dạy học hiện đại, chuẩn bị đầy đủ sách giáo khoa, đặc biệt là các điều kiện dạy học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với khối lớp 6 và lớp 7.
Những ngày này, các thầy, cô giáo đang nỗ lực lao động, vệ sinh, tu bổ lại khuôn viên trường học để đón các em vào năm học mới.
Là một trong hai địa phương cấp huyện khó khăn nhất tỉnh Yên Bái, huyện Mù Cang Chải hiện có 37 trường, 56 điểm trường với tổng số 662 lớp, đáp ứng cho gần 21.400 học sinh từ mầm non đến học phổ thông cơ sở theo học.
Ngay khi năm học 2021-2022 kết thúc, ngành Giáo dục huyện Mù Cang Chải đã có nhiều biện pháp khắc phục việc thiếu phòng học, thiếu thiết bị dạy học, nhất là thiếu cơ sở vật chất cho các trường học nội trú.
Ông Nguyễn Anh Thủy, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mù Cang Chải cho biết, từ tháng 5 đến nay, các nhà trường đã cải tạo 56 phòng ở bán trú của học sinh để bố trí làm phòng học, đầu tư xây dựng mới 33 phòng học thông minh.
Hiện tại,13/14 trường có thiết bị Phòng Tin học với 233 máy tính, và 43 bộ thiết bị dạy học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Nhờ vậy, nhu cầu học tập của học sinh đã cơ bản được đáp ứng, dự kiến sẽ giảm 30% số phòng học hai ca so với năm học trước.
Để đáp ứng yêu cầu cho năm học mới, ngành Giáo dục tỉnh Yên Bái đã cố gắng huy động và lồng ghép mọi nguồn lực, từng bước đảm bảo cơ sở vật chất đồng bộ, hiện đại. Đến nay, tỷ lệ phòng học kiên cố toàn tỉnh đạt trên 85%.
Trong đó, ngành đã cải tạo, nâng cấp và xây mới gần 900 phòng học bộ môn, với gần 9.500 máy tính được nối mạng Internet, có 1.731 máy chiếu (projector), 1.408 tivi phục vụ dạy học và 1.408 bộ thiết bị bảng thông minh.
Nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên
Bên cạnh nỗ lực chuẩn bị cơ sở vật chất, ngành Giáo dục tỉnh Yên Bái đặc biệt quan tâm đến công tác củng cố và nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên.
Đi đôi với việc tăng cường bồi dưỡng giáo viên đáp ứng yêu cầu của chương trình mới, Sở Giáo dục và Đào tạo tiếp tục dự báo nhu cầu, xây dựng kế hoạch đào tạo giáo viên dài hạn, đảm bảo đáp ứng về cơ cấu, số lượng, chất lượng.
Trước mắt, để phục vụ cho năm học mới, ngành Giáo dục tỉnh Yên Bái đã rà soát số lượng giáo viên còn thiếu, xây dựng kế hoạch điều động, sắp xếp đội ngũ viên chức, lao động hợp đồng tại các trường học, cân đối về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, yêu cầu vị trí việc làm và định mức lao động theo quy định.
Ông Vương Văn Bằng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Yên Bái cho biết, tỉnh đang thực hiện ưu tiên xét tuyển giáo viên cho các đơn vị vùng sâu vùng xa, nhất là môn Tiếng Anh, đồng thời tập trung chuẩn bị điều kiện để mở các lớp theo hình thức cử tuyển, vừa học vừa làm để bổ sung nguồn giáo viên tại chỗ.
Chủ trương biệt phái giáo viên năm học 2022-2023 của Yên Bái đang giải quyết kịp thời việc thiếu giáo viên theo yêu cầu Chương trình giáo dục phổ thông 2018, góp phần thiết thực nâng cao chất lượng giáo dục trong năm học mới.
Theo đó, ngành Giáo dục tỉnh Yên Bái đã triển khai các biện pháp nhằm khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, nhất là giáo viên tiếng Anh ở vùng cao.
Với tinh thần xung phong, đến ngày 16/8, đã có 15 giáo viên tại các huyện Trấn Yên, Yên Bình, thị xã Nghĩa Lộ và thành phố Yên Bái tự nguyện đi biệt phái hỗ trợ giảng dạy môn Tiếng Anh cho hai huyện vùng cao Trạm Tấu, Mù Cang Chải.
Đi đầu với nhiều cách làm sáng tạo khắc phục tình trạng thiếu giáo viên và nâng cao chất lượng giáo viên cho năm học mới, thị xã Nghĩa Lộ đã chủ động cân đối, bố trí tăng cường giáo viên giữa các nhà trường, đảm bảo tất cả các trường đều thực hiện được kế hoạch giáo dục các môn học; tạo điều kiện cho 100% giáo viên được bồi dưỡng thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018; nâng cao chất lượng sinh hoạt chuyên môn của các cụm trường, các nhóm chuyên môn liên trường…
Bà Lò Thị Tuyết Dung, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Nghĩa lộ cho biết, đến nay, 100% cán bộ, giáo viên các trường trên địa bàn huyện đều tham gia lớp bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, bồi dường chính trị hè do ngành Giáo dục tổ chức.
Ngành triển khai nghiêm túc công tác đánh giá giáo viên, cán bộ quản lý theo chuẩn chức danh nghề nghiệp, gắn trách nhiệm với kết quả thực hiện cam kết chất lượng giáo dục, 100% cán bộ quản lý, giáo viên phổ thông thực hiện đánh giá chuẩn nghề nghiệp trên hệ thống TEMIS.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái Trần Huy Tuấn cho biết, tỉnh tiếp tục thực hiện hiệu quả kế hoạch nâng trình độ chuẩn được đào tạo cho giáo viên theo Nghị định số 71 của Chính phủ; chú trọng bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông trong toàn tỉnh theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Tỉnh yêu cầu ngành Giáo dục chủ động rà soát, sắp xếp trường lớp, giáo viên, nhân viên phù hợp với điều kiện thực tế, đồng thời thực hiện kịp thời, đầy đủ các chế độ, chính sách đối với nhà giáo./.
Nguồn: Tiến Khánh (TTXVN/Vietnam+)
https://www.vietnamplus.vn/yen-bai-cac-truong-hoc-chuan-bi-san-sang-don-hoc-sinh-tuu-truong/812730.vnp