Đề thi tốt nghiệp THPT 2020, không đánh đố nhưng đảm bảo tính phân hoá

1160

Thông tin về đề thi tốt nghiệp THPT 2020 được PGS.TS Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng giáo dục (Bộ GD&ĐT) chia sẻ tại Ngày hội tư vấn tuyển sinh và hướng nghiệp năm 2020.

Chương trình do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), Tổng Cục dạy nghề (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) phối hợp cùng với Báo Tuổi trẻ phối hợp tổ chức ngày 21/6 tại Đại học Bách khoa Hà Nội.

Do bối cảnh dịch Covid-19 bất ngờ bùng phát và tiếp diễn thời gian qua khiến cho hàng triệu học sinh lớp 12 không thể tới trường, Bộ GD&ĐT đã phải ban hành hướng dẫn về việc giảm tải chương trình để phù hợp với tình hình thực tế.

Không ít ý kiến băn khoăn, liệu việc tinh giản đề thi có dễ dẫn đến tình trạng "mưa điểm 10" trong kỳ thi sắp tới gây khó khăn cho việc tuyển sinh của các trường đại học?

Nhiều câu hỏi của phụ huynh, học sinh về đề thi tốt nghiệp THPT 2020 được đặt ra tại ngày hội

Trao đổi về vấn đề này tại chương trình, PGS.TS Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng giáo dục – Bộ GD&ĐT cho biết, Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, kế hoạch năm học 2019-2020 đã phải điều chỉnh, kỳ thi tốt nghiệp THPT tổ chức muộn hơn thường niên song, kỳ thi không xáo trộn và sẽ tạo điều kiện tốt nhất cho thí sinh.

Theo Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, đề thi nằm trong chương trình THPT hiện hành, chủ yếu là lớp 12, bám sát chuẩn đầu ra của chương trình giáo dục phổ thông, phù hợp với định hướng tinh giản chương trình trong bối cảnh dịch Covid-19, không đánh đố thí sinh.

Độ khó của kỳ thi sẽ phù hợp với mục đích của kỳ thi và điều kiện dạy học, mức độ phân hóa của đề thi đã được điều chỉnh. Trong bất cứ kỳ thi nào, để đáp ứng mục tiêu của kỳ thi đều phải có tính phân hóa.

Theo đó, đề thi có nhiều mức độ, bám sát chương trình cơ bản nhưng vẫn có những câu hỏi mang tính phân hóa để lựa chọn được những thí sinh thực sự xuất sắc. Để đạt được điểm 9,10 các em phải học thực sự tốt. Vì thế, các trường có khả năng cạnh tranh cao vẫn có thể đảm bảo yêu cầu sàng lọc để tuyển sinh.

"Đề thi tham khảo Bộ đã công bố đang làm cơ sở cho giáo viên và học sinh ôn tập, và cũng là định hướng để Bộ ra đề thi chính thức. Đề thi chính thức sẽ đáp ứng mục tiêu của kỳ thi và hỗ trợ tốt nhất cho công tác tuyển sinh, đảm bảo phân hóa học sinh xuất sắc, giỏi, khá, trung bình khá, yếu kém”, Cục trưởng Mai Văn Trinh chia sẻ.

Ông cho biết thêm, Bộ GD&ĐT sẽ cố gắng để có được đề thi phân hóa ở vùng điểm cao từ 9 đến 10. Vì thế, các trường có khả năng cạnh tranh cao vẫn có thể đảm bảo yêu cầu sàng lọc để tuyển sinh.

Ông Trinh cũng khẳng định, Bộ GD&ĐT đã có các giải pháp nhằm tổ chức kỳ thi an toàn, nghiêm túc trong kỳ thi năm nay được tăng cường, đảm bảo công bằng, khách quan.

Ngoài ra, các thí sinh cần tham khảo đề án tuyển sinh của các trường đại học, cao đẳng, từ đó có sự lựa chọn ngành nghề phù hợp với khả năng học tập, đăng ký đúng nguyện vọng mà mình mong muốn. 

Bên cạnh đó, PGS.TS Mai Văn Trinh cũng nhắc nhở các thí sinh phải ghi những mốc thời gian quan trọng để tránh bỏ lỡ những việc cần thiết, ảnh hưởng đến việc dự thi và tuyển sinh ĐH-CĐ.

Các thí sinh cần tham khảo đề án tuyển sinh của từng trường để lựa chọn ngành học, nghề nghiệp tương lai phù hợp, bắt đầu bằng việc đăng ký nguyện vọng vào ngôi trường mình mơ ước.

Tại ngày hội, khoảng 10.000 học sinh cùng các bậc phụ huynh đã được nghe tư vấn từ các chuyên gia có uy tín đến từ các trường. 

Định hướng phương án tuyển sinh của một số trường

Theo PGS.TS Vũ Thị Hiền, Trưởng phòng Đào tạo, trường ĐH Ngoại thương, đề án tuyển sinh năm 2020 của trường sẽ có chút thay đổi so với các năm trước.

Cụ thể, nhà trường sẽ xét kết quả học tập bậc THPT với 3 đối tượng thí sinh gồm học sinh tham dự kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, học sinh đạt giải trong kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh/thành phố và học sinh hệ chuyên. Trường cũng xét chứng chỉ quốc tế của thí sinh ở cả hệ chuyên và không chuyên.

Cũng theo bà Hiền, việc tư vấn hướng nghiệp cho thí sinh rất quan trọng và các trường nên tiến hành làm khâu này từ sớm. Làm sao để các thí sinh lựa chọn đúng ngành nghề phù hợp với năng lực, sở thích và có khả năng đáp ứng nhu cầu của xã hội sau khi tốt nghiệp ra trường.

Cách thức tư vấn có thể trực tiếp hoặc trực tuyến để tiếp cận với đông đảo thí sinh hơn. Các trường có thể tư vấn tuyển sinh thông qua các mạng xã hội, ứng dụng trên điện thoại di động để thí sinh chủ động nắm bắt nhiều thông tin tuyển sinh hơn. Mức chênh lệch điểm chuẩn trúng tuyển giữa các ngành những năm gần đây ở ĐH Ngoại thương là không lớn. Thí sinh có thể tham khảo và chuẩn bị tâm thái tốt nhất để dự thi đạt kết quả tốt nhất.

Ông Phạm Ngọc Thạch, Chủ tịch hội đồng trường ĐH Hà Nội cho hay, năm 2020 trường cũng sẽ tăng chỉ tiêu xét kết quả học tập từ 10% của năm 2019 lên thành 30%. Sở dĩ tăng như vậy vì trong bối cảnh đề minh họa không quá đánh đố vì chương trình đã được giảm tải do tác động của dịch Covid-19, kết quả học tập trước đó của thí sinh ở bậc THPT vẫn có những giá trị nhất định.

TS. Nguyễn Đào Tùng, Phó Giám đốc Học viện Tài chính cho biết, đề án tuyển sinh của trường năm 2020 cơ bản giữ ổn định như năm 2019.

Tổng chỉ tiêu năm 2020 là 4.200 sinh viên, trong đó xét tuyển thẳng học sinh giỏi ở bậc THPT, xét tuyển kết hợp Chứng chỉ Tiếng Anh quốc tế với kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2020 ít nhất 50%, số còn lại xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2020 và các phương thức khác. Thí sinh và phụ huynh có thể theo dõi các thông tin liên quan trên website chính thức của học viện.

Tại ngày hội, khoảng 10.000 học sinh cùng các bậc phụ huynh đã được nghe tư vấn từ các chuyên gia có uy tín đến từ các trường ĐH lớn như ĐH Quốc gia Hà Nội, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, Trường ĐH Y Hà Nội, Trường ĐH Ngoại thương… với 2 khu vực chuyên sâu tư vấn các nhóm ngành: Khoa học tự nhiên, Kỹ thuật, Công nghệ, Y dược; Kinh tế, Báo chí, Khoa học xã hội-nhân văn, Ngoại ngữ.

Ngày hội đã thu hút hơn 150 gian tư vấn của các trường đại học, cao đẳng, trung cấp, trường nghề, trung tâm tư vấn du học… để tư vấn trực tiếp cho thí sinh và người nhà.

 

Nguồn: dantri.com