Chọn trường học theo năng lực

355

Đến thời điểm này các thí sinh đã hoàn tất việc đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học (ĐH) năm 2022. Việc học ngành nào, trường nào cũng có cả một khoảng thời gian dài để các em cân nhắc, chọn lựa. Nhưng hẳn trước đó cả phụ huynh và thí sinh đều không dễ quyết định trước “ngã rẽ” cuộc đời của các bạn trẻ.

Hướng nghiệp cho học sinh ngay từ bậc THCS

Không ít băn khoăn, cân nhắc

Tại những buổi Tư vấn, hướng nghiệp tuyển sinh, băn khoăn mà các bạn trẻ đưa ra đều có điểm chung là họ chưa biết chọn ngành nghề nào phù hợp với điều kiện kinh tế gia đình. Tâm lý của đại bộ phận học sinh khu vực nông thôn là tìm được môi trường học không mất quá nhiều học phí, ra trường sớm có việc làm.

Đơn cử như mùa tuyển sinh 2022 vừa qua, một nam học sinh tại Yên Bái chia sẻ: Em sinh năm 2004, có lực học trung bình. Gia đình làm nông, kinh tế khó khăn, lại ở một tỉnh miền núi, nên em đang phân vân giữa các lựa chọn như sau: Không học đại học; học cao đẳng (CĐ), chọn học CĐ thú y để khi ra trường có thể mở tiệm bán thuốc thú y; hoặc là học nghề, nhưng hiện em chưa biết chọn nghề nào phù hợp như nấu ăn, pha chế, cắt tóc, học sửa ôtô…

Những băn khoăn của bạn trẻ sinh năm 2004 này cũng đồng thời được đưa lên trang cá nhân. Theo đó, nhiều anh chị từng là sinh viên ĐH, rồi những người đã từng đi làm đều đưa lời khuyên chân thành, rằng nếu học lực thật khá, giỏi hãy học ĐH. Còn học lực chỉ ở mức trung bình, hãy đi học nghề để đảm bảo một tương lai vững chắc. Ưu thế của học nghề là chi phí và thời gian học nghề ngắn, nhiều nghề còn không tốn phí học, như các nghề trang điểm, cắt tóc…Sau này, khi đã vững tay nghề, có điều kiện vẫn còn nhiều cơ hội học liên thông lên tiếp, hoặc học tập theo mong muốn.

Trên thực tế, mức học phí ĐH đang tăng cao, năm học 2022- 2023 nhiều trường ĐH tăng vài chục phần trăm, tăng đến kịch trần. Đây cũng là một lý do để các bạn trẻ có cơ sở để cân nhắc giữa việc học ĐH hay học nghề. Trong khi đó, chi phí học nghề thấp, phù hợp với điều kiện kinh tế của nhiều gia đình. Đặc biệt là những người thợ giỏi sau này hoàn toàn có thể trở thành thầy dạy, truyền lửa đam mê và kinh nghiệm.

Hơn thế, mô hình học nghề 9+ đang được triển khai thí điểm thời gian qua cũng cho thấy tính ưu việt. Ông Đỗ Văn Giang – Phó Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy (Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp- GDNN) cho hay, điểm nổi bật của Chương trình 9+ là tiết kiệm chi phí và thời gian cho người học. Nếu học sinh theo mô hình 9+, chỉ mất 3 năm để có giấy chứng nhận hoàn thành chương trình THPT, vừa lấy bằng trung cấp, sau đó gia nhập thị trường lao động. Hoặc nếu muốn học liên thông lên CĐ, chỉ mất thêm 2-3 năm, tổng cộng sau 5 năm là có 2 bằng tốt nghiệp trung cấp và CĐ.

Vẫn đặt nặng lý thuyết hơn thực hành

Theo đánh giá của các doanh nghiệp (DN) tuyển dụng, sinh viên học ĐH tại Việt Nam thường đặt nặng về mặt lý thuyết hơn thực hành. Đó chính là lý do tại sao nhiều bạn trẻ khi ra trường còn bỡ ngỡ và không thể bắt tay ngay vào công việc chuyên môn của mình được. Thời gian qua, ông Lý Đình Trung – Giám đốc Công ty Proshop Daikin Thái Trung (TPHCM) – đã dành nhiều thời gian đích thân đến các ngày hội việc làm của các trường ĐH tại TPHCM để tuyển dụng nhân viên. Song theo chia sẻ của ông Trung, một trong những nỗi “đau đầu” là chênh lệch giữa chất lượng sinh viên ra trường và đòi hỏi thực tế của công việc. Dù thường xuyên có những chương trình cập nhật kiến thức cho nhân sự, tuy nhiên ông nhận thấy không phải sinh viên nào cũng có thể hòa hợp nhanh.

Trong khi đó, thời gian đào tạo ĐH kéo dài trong 4 năm (kể cả với những ngành nghề thông thường). Với khoảng thời gian này, các bạn sinh viên học trường nghề đã có thể nhanh chóng bước vào thị trường và làm tốt công việc của mình. Ông Đồng Văn Ngọc – Hiệu trưởng Trường CĐ Cơ điện Hà Nội cho biết, đối với các sinh viên ngành công nghệ ô tô của trường, thời gian học 3 năm nhưng chỉ học lý thuyết 5 tháng, còn lại thời gian 2 năm rưỡi là thực hành tại nhà xưởng hiện đại của trường và thực tập tại DN. Các em đang được đào tạo theo hai chương trình của Vinfast và của Toyota Nhật bản chuyển giao. Khi tốt nghiệp, các em được nhận cả bằng tốt nghiệp (nhà trường cấp) và chứng chỉ nghề nghiệp của DN cấp. Tất cả các sinh viên đều được giới thiệu việc làm. Sau 1 năm làm việc do nhà trường giới thiệu, nếu các em không thấy thích hợp mới tự tìm đến DN khác để ứng tuyển.

Các chuyên gia tuyển sinh đều có chung quan điểm, việc chọn ngành/nghề không chỉ dựa trên đam mê và sở thích mà còn phải nhìn thấy được tương lai của nghề, phải đảm bảo khi ra trường có việc làm hay không. Có những người học ra trường xin việc làm không được và có những người học chưa xong đã được nhà tuyển dụng săn đón. Như vậy rõ ràng có sự khác biệt trong việc chọn học ngành/nghề ở hệ đào tạo nào. Nhìn rộng ra là sự khác biệt giữa tư duy và cách nhìn nhận, lựa chọn về việc học nghề hay học ĐH… Có thể thấy, chọn ngành/nghề học là quyết định vô cùng quan trọng bởi nó ảnh hưởng lớn đến tương lai mỗi người sau này.

Trước mỗi mùa tuyển sinh, câu hỏi làm thầy hay làm thợ lại được đặt ra với bao khát vọng của các em học sinh và kỳ vọng của các bậc phụ huynh. Xét về tâm lý, đại đa số các bậc cha mẹ đều mong con mình được đỗ đạt, được vào những trường ĐH lớn. Song các em học sinh còn quá nhỏ để tự xác định về hướng vào đời của mình. Khi chọn nghề, nhiều em ít khi tìm hiểu kỹ về ngành học, công việc mà mình sẽ theo đuổi. Có em lựa chọn theo cảm tính, không quan tâm tới đặc thù nghề nghiệp cũng như triển vọng công việc sau khi ra trường. Bên cạnh đó, không phải bậc phụ huynh nào cũng cùng con tham gia các buổi hướng nghiệp, để giúp tìm hiểu và đưa ra tư vấn chính xác, thuyết phục nhất cho các em.

Phải thỏa mãn ba đỉnh của tam giác chọn nghề

Theo các chuyên gia hướng nghiệp, muốn có nghề nghiệp hợp lý phải thỏa mãn cả ba đỉnh của tam giác chọn nghề. Đỉnh thứ nhất là đam mê, yêu thích, muốn sống chung cả đời với nghề nghiệp đó. Thứ hai là năng lực, khả năng và thế mạnh của bản thân. Thứ ba là cơ hội nghề nghiệp của ngành mình lựa chọn, là sự hiểu biết về nhu cầu thị trường lao động.

Các số liệu thống kê cho thấy 5 năm qua, lao động kỹ thuật hầu như không tăng, trong khi các nhà máy mới mở ngày càng nhiều lên. Sự mất cân đối giữa tỉ lệ học ĐH và học nghề dẫn tới sinh viên ra trường thất nghiệp nhiều gây lãng phí, sản xuất không phát triển được vì thiếu người làm việc trực tiếp trong các nhà máy.

Vì lẽ đó việc định hướng ngành nghề nên thực hiện từ cuối bậc THCS, đầu năm của bậc học THPT. Từ năm giữa bậc THPT song song với việc học, thi, học sinh có thể hứng thú tìm hiểu thêm nghề mình mong muốn. Học sinh học hết bậc THCS là bắt đầu có thể có định hướng về nghề. Thực tế thì ai cũng có thể học ĐH, tuy nhiên chỉ những học sinh học giỏi, xuất sắc thì hãy học ĐH để làm thầy. Như vậy mảng sản xuất (do công nhân, chuyên viên từ trường nghề) và mảng nghiên cứu khoa học (do cử nhân giỏi) kết hợp lại mới tạo nên một nền sản xuất mạnh, có tính cạnh tranh cao. Còn học ĐH, Cao học tràn lan như hiện nay, khi mà không ít sinh viên ra trường không thể tìm kiếm được việc làm, hoặc phải làm tạm những nghề khác như Grap bike, ship hàng, bán hàng online… khiến xã hội có tình trạng “thầy dở” thì thừa mà “thợ giỏi” lại quá hiếm. Điều này vừa gây lãng phí ngân sách đào tạo, lãng phí chất xám; xã hội mất cân bằng nguồn nhân lực để phát triển khi thầy nhiều, thợ ít.

TS PHẠM VŨ QUỐC BÌNH – PHÓ TỔNG CỤC TRƯỞNG TỔNG CỤC GDNN:

Đẩy mạnh tuyên truyền về giáo dục nghề nghiệp

Thời điểm quan trọng để tuyển sinh của các trường nghề là khi các kỳ thi vào lớp 10 diễn ra tại các tỉnh thành; kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Hiện mới có khoảng 10 sở, ngành ban hành được công tác truyền thông cho GDNN, chính vì vậy, các tỉnh, thành cần phối hợp với các trường xây dựng chương trình cho bậc THPT, THCS thông qua các kênh truyền thông như Tiktok, Facebook…, ngày hội tuyển sinh nhằm thu hút học sinh học nghề.

Các trường nghề cần đẩy mạnh truyền thông đến học sinh, đồng thời tiếp tục hỗ trợ hướng nghiệp, kết nối và đảm bảo việc làm cho người học sau đào tạo. Bên cạnh đó, việc kết nối giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với nhau và với các doanh nghiệp cũng cần được chú trọng để gia tăng số lượng tuyển sinh.

Nguồn : Hương Lê

http://gdnn.gov.vn/AIAdmin/News/View/tabid/66/newsid/39445/seo/Bat-cap-khi-thich-lam-thay-khong-lam-tho-Bai-4-Chon-truong-hoc-theo-nang-luc/Default.aspx