Cùng với sự phát triển của ngành du lịch, nghỉ dưỡng, dịch vụ, nhà hàng khách sạn, ẩm thực, thì nghề đầu bếp là một trong những ngành nghề có cơ hội phát triển lớn và mang lại thu nhập cao so với những ngành nghề khác.
Để thành công và đứng vững, các hoạt động du lịch nghỉ dưỡng, nhà hàng khách sạn lớn đầu tư không ít công sức và tài chính để có cho mình những đầu bếp tốt nhất và phù hợp nhất với định hướng kinh doanh. Và chắc chắn rằng họ sẵn sàng chi trả một khoản thù lao lớn để có cho mình những bếp trưởng tâm huyết tài năng. Tuy nhiên, theo con số đánh giá về nhân lực Nghề Đầu Bếp, số lượng nhân lực tham gia vào ngành nghề này hàng năm luôn thiếu hụt.
Thiếu bằng cấp, yếu kỹ năng
Dịch bệnh Covid-19 đã làm đóng băng nhiều hoạt động cuộc sống hằng ngày cũng như kinh doanh du lịch. Hơn 2 năm qua, dần dần mọi hoạt động cũng phải quay trở lại theo hướng bình thường mới – vừa đảm bảo an toàn đúng theo công tác phòng dịch, vừa tổ chức đời sống kinh doanh để đảm bảo nguồn thu nhập. Nhu cầu tuyển dụng với các vị trí bếp vẫn luôn là điểm “hot”, bởi các hoạt động tại các nhà hàng, khách sạn, khu du lịch nghỉ dưỡng dần trở nên sôi động ngay từ khi ngành du lịch bắt đầu các chương trình kích cầu.
Theo đó, thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong năm 2019, cả nước ta có khoảng 540.000 cửa hàng ăn uống từ quy mô nhỏ đến lớn bao gồm cả các cửa hàng thức ăn nhanh, quán cà phê, quán bar/pub. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 30% số lao động nghề bếp được đào tạo bài bản, số lượng lao động bàn đã qua đào tạo chỉ đạt 20-30%.
Đầu Bếp Việt làm gì để phát triển hơn?
Việt Nam là một quốc gia giàu tiềm năng và dư địa để phát triển các sản phẩm du lịch ẩm thực, trở thành “bếp ăn của thế giới” nhưng đây vẫn là tiềm năng bỏ ngỏ của nước ta. Chủ tịch Hội đầu bếp Việt Nam cũng đã có chia sẻ: “Hầu hết tại các khách sạn lớn, bếp trưởng đều là người nước ngoài, điều đó có nghĩa là họ không thể làm tốt những món ăn thuần Việt. Và đây là lý do khiến ẩm thực Việt Nam phát triển chậm, chưa thể trở thành một sản phẩm du lịch độc lập, góp phần đa dạng loại hình sản phẩm du lịch của Việt Nam”.
Việc tăng chất lượng của sản phẩm, loại hình du lịch, điểm đến, có sự đóng góp của chất lượng nhân sự, trong đó chắc chắn phải kể đến nghề đầu bếp. Khi ngành du lịch nghỉ dưỡng, nhà hàng khách sạn càng phát triển, yêu cầu với người lao động không chỉ dừng lại ở mức kinh nghiệm mà còn cần cả kiến thức, bằng cấp, trình độ hiểu biết về văn hóa, kỹ thuật chế biến, an toàn thực phẩm, thậm chí, kiến thức y học để bảo đảm sản phẩm không chỉ ngon mà còn bổ dưỡng.
Việc lựa chọn theo học chính quy ngành đầu bếp là một sự lựa chọn thông minh, đây là sẽ bước đệm vững chắc cho các bạn để phát triển xa hơn khi theo đuổi ngành nghề này.