Ngày 8/1, Đại hội Đại biểu lần thứ III nhiệm kỳ 2020-2025 của Hiệp hội Giáo dục nghề nghiệp và nghề Công tác xã hội Việt Nam đã diễn ra thành công tốt đẹp, hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra.
Đại hội bầu ra Ban chấp hành nhiệm kỳ 2020-2025 gồm 68 người để đảm đương trọng trách lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị của nhiệm kỳ 2020-2025. PGS.TS Dương Đức Lân tái đắc cử chức vụ Chủ tịch Hiệp hội GDNN và nghề CTXH Việt Nam.
Ban chấp hành Hiệp hội GDNN và nghề CTXH Việt Nam khóa III nhiệm kỳ 2020-2025.
Phát triển mạnh cả về “chất” và “lượng”
Dự và phát biểu tại Đại hội, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Văn Thanh nhận định, trải qua quá trình phát triển từ năm 2007 đến nay, Hiệp hội GDNN và nghề CTXH Việt Nam đã phát triển mạnh, trở thành một Hiệp hội lớn mạnh của Việt Nam.
“Từ con số hội viên khiêm tốn ban đầu, đến nay Hiệp hội đã có số lượng Hội viên đông đảo. Đặc biệt Hiệp hội đã tập hợp được lực lượng cán bộ là những “cây đa”, “cây đề” của ngành LĐ-TB&XH và các ngành nghề khác. Hiệp hội đã không chỉ đông về lực lượng mà còn mạnh về trí tuệ, kinh nghiệm”, Thứ trưởng Lê Văn Thanh nhấn mạnh.
Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Văn Thanh
Theo Thứ trưởng Lê Văn Thanh, thời gian qua, Hiệp hội đã đóng góp quan trọng cho ngành LĐ-TB&XH, giúp cho ngành có những bước phát triển lớn mạnh như ngày nay. Thứ trưởng tin tưởng, với sự năng động, tích cực, Hiệp hội GDNN và nghề CTXH Việt Nam sẽ tiếp tục có nhiều đóng góp hơn nữa cho ngành LĐ-TB&XH.
Chúc mừng những kết quả Hiệp hội đã đạt được trong nhiệm kỳ II, Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN Trương Anh Dũng cho biết, trong suốt chiều dài lịch sử hình thành và phát triển, Hiệp hội GDNN và nghề CTXH Việt Nam luôn song hành cùng với Tổng cục GDNN, Bộ LĐ-TB&XH trong xử lý vấn đề lớn, quan trọng, thậm chí gai góc của GDNN. Hiệp hội đã có những đóng góp to lớn cho lĩnh vực dạy nghề trước đây và GDNN hiện nay.
“Những vấn đề liên quan đến xây dựng thể chế, cơ chế chính sách phát triển, những vấn đề mới, mô hình mới, cách làm mới về phát triển GDNN, Hiệp hội đều có đóng góp quan trọng”, Tổng cục trưởng Trương Anh Dũng nói.
Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN Trương Anh Dũng
Đề cập đến những yêu cầu mới đặt ra cho GDNN, Tổng cục trưởng Trương Anh Dũng mong muốn trong nhiệm kỳ 2020-2025, Hiệp hội GDNN và nghề CTXH Việt Nam quan tâm phát triển 3 nội dung. Trong đó quan tâm trước hết đến phát triển hội viên bởi Hiệp hội muốn phát triển thì phải có lực lượng.
Theo Tổng cục trưởng Trương Anh Dũng, “GDNN bây giờ không chỉ riêng hệ thống dạy nghề trước đây. Chúng ta đã có lực lượng đông đảo, lớn mạnh từ ngành Giáo dục chuyển sang ngành LĐ-TB&XH, trong đó có các trường cao đẳng, trường trung cấp chuyên nghiệp. Hiệp hội GDNN và nghề CTXH Việt Nam phải làm sao để thu hút được lực lượng này. Ngoài ra, cần quan tâm thu hút hai nhóm đặc thù trong lực lượng GDNN mà Hiệp hội hiện chưa có hội viên là khối y dược và khối văn hóa nghệ thuật”.
Chủ tịch Hiệp hội GDNN và nghề CTXH Dương Đức Lân (bên trái) nhận lẵng hoa chúc mừng của Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN Trương Anh Dũng
Đại diện lãnh đạo Tổng cục GDNN cũng đề cập đến vai trò phản biện và đóng góp xây dựng chính sách của Hiệp hội. Theo đó, làm thế nào để tạo kênh thu hút được trí tuệ tập thể của Hiệp hội, thành viên Hiệp hội chứ không phải chỉ riêng bộ phận thường trực Hiệp hội.
Ngoài ra, theo Tổng cục trưởng Trương Anh Dũng, Hiệp hội cần lưu ý đến vấn đề hội nhập quốc tế bởi hiện nay quan hệ hợp tác với các Hiệp hội quốc tế, đối tác quốc tế của Hiệp hội còn có những giới hạn nhất định.
“Tổng cục GDNN kỳ vọng Hiệp hội ngày càng phát huy được vai trò, tập hợp được lực lượng, trí tuệ tiếp tục phát triển hơn nữa, đóng góp vào lĩnh vực GDNN và nghề CTXH nói riêng, ngành LĐ-TB&XH nói chung”, Tổng cục trưởng Trương Anh Dũng nói.
Khẳng định vai trò qua công tác phản biện, xây dựng chính sách
Phát biểu khai mạc Đại hội trước đó, PGS.TS Dương Đức Lân, Chủ tịch Hiệp hội GDNN và nghề CTXH Việt Nam cho biết, đa số hội viên của Hiệp hội là các cơ sở GDNN, một số hội viên là doanh nghiệp và các đại diện thuộc các cơ quan đoàn thể ở Trung ương và địa phương. Các hoạt động của Hiệp hội bởi thế luôn gắn kết với các hoạt động của Tổng cục GDNN, Bộ LĐ-TB&XH và các cơ sở GDNN.
“Hiệp hội đã tích cực và chủ động cùng Bộ LĐ-TB&XH, Tổng cục GDNN trong nhiều hoạt động chuyên môn như góp ý và có ý kiến phản biện trong việc xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, tạo hành lang pháp lý và cơ chế, chính sách ngày càng đầy đủ, rõ ràng, hiệu quả để hệ thống GDNN ngày càng ổn định và phát triển”, Chủ tịch Hiệp hội GDNN và nghề CTXH Việt Nam Dương Đức Lân cho biết.
Chủ tịch Hiệp hội GDNN và nghề CTXH Việt Nam Dương Đức Lân phát biểu khai mạc Đại hội.
Báo cáo tại Đại hội, ông Phan Chính Thức – Phó Chủ tịch Hiệp hội GDNN và nghề CTXH Việt Nam cho biết, 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội nhiệm kỳ II, Hiệp hội đã đạt được nhiều kết quả tích cực nhờ sự đoàn kết, nỗ lực của tập thể lãnh đạo Hiệp hội và hội viên, sự quan tâm, chỉ đạo, tạo điều kiện của Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Nội vụ và các bộ, ngành, địa phương; sự phối hợp chặt chẽ của Tổng cục GDNN, các đơn vị trong và ngoài ngành.
Nổi bật là hoạt động tư vấn, phản biện, tham gia xây dựng chính sách. Theo đó, trong nhiệm kỳ II, Hiệp hội đã chủ động nghiên cứu, vận động hội viên đóng góp ý kiến xây dựng văn bản pháp luật theo định hướng chủ trương của Đảng, Nhà nước, phản ánh hoạt động đa dạng trong thực tiễn, nguyện vọng của các đối tượng tham gia và tiếp cận với xu hướng hội nhập khu vực và quốc tế.
“Các ý kiến đóng góp của Hiệp hội đã được các cơ quan quản lý nhà nước về các lĩnh vực liên quan tiếp nhận, các cơ sở hội viên hưởng ứng góp phần cụ thể hóa và nâng cao chất lượng văn bản quy phạm pháp luật, hoàn thiện cơ chế, chính sách liên quan đến các lĩnh vực lao động- việc làm – GDNN và phát triển nghề CTXH”, Phó Chủ tịch Hiệp hội Phan Chính Thức thông tin.
Phó Chủ tịch Hiệp hội GDNN và nghề CTXH Việt Nam Phan Chính Thức báo cáo kết quả hoạt động của Hiệp hội nhiệm kỳ II
Cùng với hoạt động tư vấn, phản biện, tham gia xây dựng chính sách, các hoạt động khác của Hiệp hội như: Truyền thông; công tác chuyên môn, xây dựng chương trình, chuẩn đầu ra, đào tạo nghề và bồi dưỡng chuyên môn, nghiên cứu; tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm; nghiên cứu khoa học; hợp tác với các đối tác trong nước và quốc tế; phát triển hội dạy nghề ở địa phương và hội viên… cũng đã đạt được nhiều kết quả tích cực.
5 nhiệm vụ trọng tâm nhiệm kỳ 2020-2025
Phát huy những kết quả đạt được, bước sang nhiệm kỳ III (2020-2025), nhiệm vụ và trách nhiệm của Hiệp hội là vận động Hội viên triển khai thực hiện có chất lượng và hiệu quả mục tiêu, nhiệm vụ của GDNN; tham gia xây dựng văn bản pháp luật; ban hành cơ chế và chính sách tạo động lực phát triển GDNN trong bối cảnh mới.
Các Hội địa phương và Hội viên Hiệp hội GDNN và nghề CTXH Việt Nam có trách nhiệm xây dựng Hiệp hội vững mạnh, tham gia có hiệu quả xây dựng, tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch phát triển GDNN của địa phương, từng ngành và của từng cơ sở.
Chủ tịch Hiệp hội GDNN và nghề CTXH Việt Nam trao Bằng khen cho các Hội viên có nhiều đóng góp trong xây dựng và phát triển Hội.
Chủ tịch Hiệp hội GDNN và nghề CTXH Việt Nam Dương Đức Lân trao Bằng khen cho bà Chử Thị Hà, Tổng Biên tập Tạp chí Nghề nghiệp và Cuộc sống. Tạp chí Nghề nghiệp và Cuộc sống là một trong số 23 tập thể được Hiệp hội tặng Bằng khen vì đã có nhiều đóng góp trong công tác xây dựng và phát triển Hội.
Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội GDNN và nghề CTXH Việt Nam Phan Chính Thức, nhiệm kỳ 2020-2025, Hiệp hội sẽ tập trung vào 5 nhiệm vụ trọng tâm.
Nhiệm vụ trọng tâm đầu tiên là vận động Hội viên tham gia vào quá trình xây dựng và triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Chiến lược phát triển GDNN, Đổi mới và phát triển trợ giúp xã hội, bảo vệ chăm sóc trẻ em, quy hoạch mạng lưới cơ sở GDNN, cơ sở trợ giúp xã hội giai đoạn 2021-2030.
Thứ hai là đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền. Thông qua tuyên truyền, giúp Hội viên nhận thức và tổ chức quá trình đào tạo theo hướng bảo đảm chất lượng đồng bộ thông qua quá trình tự kiểm định, kiểm đinh cơ sở GDNN và chương trình đào tạo. Từng bước làm cho văn hóa chất lượng trở thành nét đặc thù của văn hóa nghề nghiệp trong các cơ sở GDNN.
Thứ ba, tăng cường công tác nghiên cứu khoa học. Theo đó, lựa chọn tham gia nghiên cứu những đề tài chuyên môn có tác động thiết thực với hoạt động của Hiệp hội và Hội viên, tham gia giải quyết những điểm “nghẽn” trong hoạt động GDNN, công tác xã hội như: Phân luồng, mô hình đào tạo cao đẳng cho học sinh THCS; nâng tầm kỹ năng nghề cho người lao động; các mô hình đào tạo lại, đào tạo chuyển đổi và thích ứng nghề dưới tác động của cách mạng công nghiệp 4.0; ứng dụng khai thác tài nguyên mở, chuyển đổi số trong GDNN và công tác xã hội; phát triển đào tạo nghề xanh…
Thứ tư, mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế. Chủ động và duy trì mối quan hệ hợp tác với các nước và tổ chức quốc tế như: Hội đồng GDNN ASEAN, Tổ chức GIZ (CHLB Đức), Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), phát triển quan hệ hợp tác với Hiệp hội quốc tế các trường đào tạo CTXH và Hiệp hội nghề CTXH…
Thứ năm, về công tác tổ chức, sẽ nghiên cứu mở rộng đối tượng tham gia Hiệp hội theo hướng mở để huy động, tạo điều kiện và khuyến khích người lao động tham gia Hiệp hội. Cùng với đó, kiện toàn tổ chức bộ máy của Hiệp hội từ Trung ương đến địa phương và cơ sở theo hướng hiệu quả thiết thực…
Nguồn: nghenghiepcuocsong.vn