Phân luồng hướng nghiệp: Làm cho thực chất

356

Mục tiêu ngành Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đề ra là đến năm 2020 có 30% học sinh (HS) tốt nghiệp THCS vào trung cấp chuyên nghiệp và học nghề, nhưng đến nay sau 2 năm vẫn chưa đạt. Một trong những nguyên nhân được chỉ ra là do công tác phân luồng, hướng nghiệp HS dù đã có chuyển biến tích cực song vẫn còn nhiều thách thức.

Học sinh bậc THCS trong tiết học tìm hiểu về hướng nghiệp. 

Chuyển biến tích cực

Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, ông Nguyễn Duy Hùng – Hiệu trưởng Trường THCS Chu Minh (huyện Ba Vì, Hà Nội) cho biết, năm học 2021-2022 vừa qua, trường đã hoàn thành công tác phân luồng HS với kết quả 40% HS theo học nghề, cao hơn chỉ tiêu huyện giao là 4%. Trước đó, trường đã xây dựng kế hoạch phân luồng kỹ lưỡng trên cơ sở kết quả các năm học trước của HS. Không chờ đến năm lớp 9, từ lớp 7, lớp 8 giáo viên chủ nhiệm các lớp đã thường xuyên trao đổi với phụ huynh về kết quả học tập của HS. Khi phụ huynh biết được năng lực của con em mình, sẽ sớm có định hướng trong việc cho con học nghề hay học tiếp bậc phổ thông.

Chị Đồng Thanh Thủy (thị trấn Văn Điển, Thanh Trì, Hà Nội) có con đang học lớp 9 Trường THCS Tứ Hiệp (Hà Nội) cho biết, chị đang tìm hiểu các trường trung cấp, cao đẳng (CĐ) nghề trên địa bàn để chuẩn bị cho con hướng đi sau khi tốt nghiệp THCS.

“Cô giáo chủ nhiệm đã theo sát con từ hồi lớp 6 đến nay là 4 năm nên cũng hiểu rõ năng lực, sở trường của con và tư vấn rất sát với nguyện vọng của gia đình. Ban đầu chúng tôi dự định sẽ đăng ký cho con học trường THPT tư thục để giảm áp lực kỳ thi vào lớp 10. Nhưng khi trao đổi cụ thể với con về mong muốn nghề nghiệp sau này, phân tích cho con về sự phù hợp với môi trường học tập thì con quyết định chọn trường nghề để giảm tải học văn hóa, dành thời gian theo đuổi ngành công nghệ thông tin mà con đam mê”- chị Thủy cho biết.

Bà Lê Ánh Tuyết – giáo viên Trường THCS Trần Phú (Phủ Lý, Hà Nam) cho biết, nhiều năm làm công tác chủ nhiệm kiêm luôn vai trò tư vấn, hướng nghiệp cho HS, bà nhận thấy việc định hướng phân luồng HS sau khi tốt nghiệp THCS là một chủ trương hoàn toàn đúng. Không phải mọi HS đều phù hợp với việc học tiếp lên THPT khi khối lượng kiến thức nặng, các em chia sẻ rất khó khăn, thậm chí “sợ” học, “sợ” đến trường. Ngược lại, khi chọn trường nghề, phần học văn hóa được giảm tải và các em được vừa học, vừa làm một nghề mà mình thích thì việc học sẽ hứng khởi hơn rất nhiều.

“Tư vấn từ nhà trường, giáo viên là cần thiết. Nếu kết hợp được với các trường CĐ, Trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên, trường THPT tư thục trên địa bàn để tư vấn trực tiếp hoặc trực tuyến cho phụ huynh, HS hiểu hơn về những lựa chọn khác ngoài học trường THPT công lập thì sẽ thuyết phục hơn nhiều” – cô Tuyết nhấn mạnh.

Cần dự báo nhu cầu nhân lực trong tương lai

Trong nhiệm vụ và giải pháp năm học 2022-2023 và nhiều năm học trước đó của ngành GDĐT, công tác định hướng nghề nghiệp và phân luồng HS sau THCS luôn được xác định là một nhiệm vụ chủ yếu. Đến nay, ngành giáo dục đã có hẳn một Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng HS trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025” được phê duyệt và triển khai, góp phần chuyển biến mạnh mẽ công tác phân luồng HS sau THCS và THPT.

Theo Bộ GDĐT, nhiều địa phương đã chủ động, sáng tạo trong việc giáo dục hướng nghiệp nhằm định hướng phân luồng HS. Chẳng hạn một số trường THCS ở địa phương có khu công nghiệp phát triển như Bắc Ninh, Hưng Yên, Hà Nam, Bình Phước… đã liên kết với các khu công nghiệp trên địa bàn để HS đến tham quan, học tập và trải nghiệm. Hoặc gắn giáo dục hướng nghiệp với hoạt động trải nghiệm thực tế ở địa phương như đưa HS đến các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nông trại, làng nghề truyền thống…

Tuy nhiên, kết quả đạt được vẫn chưa đạt như mục tiêu đề ra. Bên cạnh nguyên nhân chủ quan xuất phát từ nhận thức coi trọng bằng cấp, phải học phổ thông sau đó học đại học mới là cánh cửa rộng mở để vào đời thay vì học nghề phù hợp, nhiều chuyên gia cũng chỉ ra những nguyên nhân khách quan khác.

Theo TS Hoàng Ngọc Vinh – nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GDĐT, phân luồng đang được coi là một giải pháp quan trọng giúp HS đi vào con đường học nghề để thành công sớm trên thị trường lao động. Tuy nhiên, điều này là hoàn toàn tự giác của người học và của gia đình HS.

Công tác tư vấn hướng nghiệp gồm hai nội dung chính, một là tuyên truyền, hỗ trợ định hướng nghề nghiệp, tư vấn chọn nghề; hai là cung cấp thông tin, dự báo chính xác về thị trường lao động, nhu cầu nhân lực cho việc chọn ngành nghề. Hiện nay nhiều trường đang làm tốt nội dung thứ nhất nhưng thiếu hụt thông tin ở nội dung thứ hai nên việc tư vấn mới dừng lại ở sở thích, năng lực của HS mà chưa thuyết phục được phụ huynh về cơ hội nghề nghiệp sau khi ra trường… Từ đó, khiến việc tự nguyện rẽ hướng sang học nghề của nhiều HS vẫn còn khó khăn, thậm chí phải “ép buộc” phụ huynh viết đơn tự nguyện không thi vào lớp 10 như tình trạng nhiều năm qua đã thấy gây bức xúc trong dư luận.

“Đây là vấn đề ngành giáo dục phải phối hợp với các cơ quan chức năng khác sớm khắc phục để công tác định hướng nghề nghiệp cho HS phát huy hiệu quả thực sự ngay từ cấp học THCS” – ông Vinh đề xuất.

Ở góc độ nhà quản lý giáo dục, ông Phùng Ngọc Oanh – Trưởng phòng GDĐT huyện Ba Vì, Hà Nội đề xuất phân luồng HS sau THCS phải vừa mang tính chất định hướng từ phía nhà trường vừa phải căn cứ vào nguyện vọng của HS. Nhà trường không vì áp lực thành tích mà áp đặt chỉ tiêu cho giáo viên.

“Ngày nay HS và phụ huynh có nhiều kênh thông tin tham khảo, do đó, việc tư vấn, định hướng càng phải kỹ càng, chính xác, đúng và trúng. Mỗi người đều có một thiên hướng, năng lực, sở trường, nguyện vọng và hoàn cảnh khác nhau nên phân luồng HS sau THCS không phải là ép buộc học sinh yếu thế về học lực và hoàn cảnh kinh tế về phía những phương thức học tập bất lợi, mà là tạo ra phương thức học phù hợp và cơ hội học tập có hiệu quả đáp ứng được nhu cầu được học, nguyện vọng có nghề nghiệp của các em” – ông Oanh cho biết.

Đồng tình với quan điểm này, bà Trần Thị Mỹ Hằng – Hiệu trưởng Trường CĐ Việt Mỹ Hà Nội cho rằng, việc phân luồng HS sau THCS là cần thiết để đáp ứng nhu cầu chuyển đổi cơ cấu đào tạo nguồn nhân lực. Sự chuyển đổi cơ cấu kinh tế đòi hỏi sự thay đổi cơ cấu nhân lực cho phù hợp. Phân luồng HS sau THCS tạo điều kiện linh hoạt cho người học dễ dàng chuyển đổi giữa chương trình, trình độ đào tạo…

“Chương trình đào tạo của nhiều trường CĐ, trung cấp nghề được thiết kế theo hướng 70% thực hành, 30% lý thuyết, tạo điều kiện đi kiến tập thực tế sớm hơn, giúp sinh viên nhanh chóng bắt kịp bài giảng, quen thuộc hơn với mô hình vừa học vừa hành, không hề xa rời thực tế, “học ngắn, làm ngay”. Cơ hội học liên thông lên các bậc học cao hơn cũng rộng mở và thuận lợi khi các em có kỹ năng nghề nghiệp thành thạo, có quyết tâm và mong muốn học tập, có kinh tế ổn định”- bà Hằng cho biết.

TS HOÀNG NGỌC VINH – NGUYÊN VỤ TRƯỞNG VỤ GIÁO DỤC CHUYÊN NGHIỆP, BỘ GDĐT

Quyền được lựa chọn của học sinh

Khi học xong lớp 9, HS có quyền tham gia thi và học ở các cơ sở giáo dục khác nhau. Có em chọn học trường nghề, vừa học văn hóa vừa học nghề phù hợp với năng lực, trình độ, kiến thức của mình. Ngoài ra, các trung tâm giáo dục thường xuyên cũng dạy tích hợp văn hóa và lồng ghép các chương trình giáo dục nghề nghiệp, phù hợp với điều kiện của HS. Khi đó giáo viên có vai trò quan trọng trong việc định hướng cho HS. Tuy nhiên, việc chọn lựa là quyết định thuộc về HS và phụ huynh. Giáo viên, nhà trường chỉ tư vấn, không được phép tác động hay gây ảnh hưởng đến quyền được học và quyền được thi vào lớp 10 của các em.

Về phía trường nghề làm thế nào để có thể hấp dẫn HS bằng chất lượng đào tạo. Nghĩa là học nghề để có kỹ năng và việc làm.

Nguồn: Thu Hương

http://gdnn.gov.vn/AIAdmin/News/View/tabid/66/newsid/39443/seo/Bat-cap-khi-thich-lam-thay-khong-lam-tho-Bai-2-Phan-luong-huong-nghiep-Lam-cho-thuc-chat/Default.aspx