Quan hệ hợp tác của Việt Nam và Đan Mạch trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp

475

Đan Mạch và Việt Nam chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1971 và đến nay hai nước đã nâng tầm lên quan hệ Đối tác toàn diện. Với định hướng phát triển mới trở thành đối tác trong tăng trưởng bền vững, Đan Mạch không ngừng tìm kiếm các giải pháp nhằm thúc đẩy quan hệ Đan Mạch – Việt Nam lên tầm cao mới. Khi Đan Mạch kết thúc dần viện trợ phát triển truyền thống trong giai đoạn 2010 – 2015 do Việt Nam đạt tăng trưởng kinh tế cao và trở thành nước thu nhập trung bình, chương trình toàn cầu “Trở thành đối tác của Đan Mạch” đã được khởi xướng nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác ngành chiến lược với 14 nước. Trong khuôn khổ chương trình này, giáo dục là lĩnh vực hợp tác chiến lược riêng giữa Việt Nam và Đan Mạch. Theo đó, “Dự án Giáo dục nghề nghiệp” đã được triển khai tại Việt Nam

Dự án “Giáo dục Giáo dục nghề nghiệp” Pha I được thực hiện từ tháng 01/2017 và kết thúc trong năm 2019. Dự án nhằm mục đích thu hẹp khoảng cách giữa kỹ năng và năng lực của sinh viên tốt nghiệp với nhu cầu thực tế của doanh nghiệp và thị trường lao động trong hai lĩnh vực Nội thất và Đồ họa bằng cách tăng cường hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp, thúc đẩy học đi đôi với hành. Mục đích cuối cùng của dự án là xây dựng một chương trình giáo dục kỹ thuật và đào tạo nghề tương thích với nhu cầu và thực trạng của thị trường lao động. Một kết quả then chốt khác từ Dự án chính là Sách trắng được biên soạn dựa trên tất cả các kinh nghiệm và kết quả thu được trong giai đoạn I nhằm đưa ra những khuyến nghị chính sách, chiến lược giúp Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội xây dựng một hệ thống giáo dục đào tạo nghề linh hoạt hơn với định hướng dựa trên nhu cầu thực tế tại Việt Nam.

 

Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Phi – Bộ LĐTBXH tặng quà cho ông Jorn Skovsgaard – Cố vấn cao cấp – Bộ Giáo dục Đan Mạch

Dự án hoàn thành và đạt hầu hết các mục tiêu then chốt như dự kiến, được đánh giá phù hợp với nhu cầu của hệ thống giáo nghề nghiệp Việt Nam. Dự án cũng thu hút sự tham gia tích cực của tất cả các bên liên quan cũng như thiết lập được kênh đối thoại cùng nhiều nhà tài trợ quốc tế khác nhau. Nhờ vậy, dự án đạt kết quả tốt trên nhiều phương diện, nhận được phản hồi rất tích cực từ các trường đào tạo nghề và các đối tác liên quan.

Trên cơ sở những kết quả đạt được từ Pha I, Đan Mạch và Việt Nam đã tiếp tục hợp tác triển khai Pha II của dự án, thời gian thực hiện từ tháng 8/2019 đến hết tháng 6/2022. Dự án được thực hiện trong 03 lĩnh vực đào tạo: Thiết kế đồ họa, Nội thất và Công nghệ thực phẩm tại 12 trường cao đẳng nhằm củng cố tính gắn kết, chất lượng và khả năng đáp ứng của hệ thống giáo dục nghề nghiệp, tăng cường thu hút giới trẻ vào học GDNN và bảo đảm sự phù hợp của GDNN với sự phát triển kinh tế – xã hội ở Việt Nam. Các mục tiêu cụ thể gồm: Thúc đẩy sự liên kết chặt chẽ giữa các trường, cơ quan chức năng và doanh nghiệp; tăng cường tính tự chủ, thúc đẩy quản trị cơ sở GDNN; tăng cường năng lực cho các cán bộ, giáo viên về phát triển giáo dục và quản lý sự thay đổi trong GDNN; tăng cường hợp tác giữa các cơ sở GDNN với các doanh nghiệp nhà nước và tư nhân thuộc lĩnh vực liên quan và tăng cường hoạt động thu hút giới trẻ vào học GDNN; đẩy mạnh hợp tác, trao đổi giáo viên và cán bộ quản lý giữa hai nước Việt Nam và Đan Mạch trong các ngành, nghề Thiết kế đồ họa, Nội thất và Thực phẩm. 

Bên cạnh dự án Phát triển Giáo dục nghề nghiệp được triển khai, nhằm thúc đẩy hợp tác giữa hai nước, ngày 20/10/2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Đan Mạch Lars Løkke Rasmussen đã chứng kiến lễ ký kết Ý định thư bày tỏ ý định tiếp tục hợp tác trong lĩnh vực GDNN giữa Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Việt Nam và Bộ Giáo dục Đan Mạch.

 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Đan Mạch Lars Løkke Rasmussen chứng kiến Tổng cục trưởng Nguyễn Hồng Minh và Vụ trưởng Rasmus Vanggard Knudsen ký ý định thư hợp tác về giáo dục nghề nghiệp giữa Việt Nam và Đan Mạch.

Chính phủ Việt Nam luôn đánh giá cao những hoạt động hỗ trợ từ phía Chính phủ Đan Mạch. Với dấu mốc 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước (1974-2021), Việt Nam mong muốn Đan Mạch sẽ tiếp tục đồng hành và hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực giáo dục đào tạo nói chung và giáo dục nghề nghiệp nói riêng, đặc biệt là các ngành, nghề, lĩnh vực là thế mạnh của Đan Mạch như năng lượng, điện gió, bảo vệ môi trường… thông qua các dự án ODA và các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật khác./.

———————————————-

Thông tin liên hệ: Trường Trung cấp Bách khoa Yên Bái

Địa chỉ: Số 6/31 đường Lê Văn Tám, P. Đồng Tâm, Tp. Yên Bái, tỉnh Yên Bái

SĐT: 02163890878

Email: trungcapbachkhoayenbai@gmail.com

Fanpage: @truongbachkhoayenbai

Nguồn: Văn phòng TC GDNN biên soạn