Tại Việt Nam, theo thống kê của Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp, tỷ lệ học viên trường nghề có việc làm sau tốt nghiệp bình quân là 85%, thu nhập ở nhiều ngành nghề cũng rất tốt, học viên được các nhà tuyển dụng tiếp nhận ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Rõ ràng, hiện nay đã có rất nhiều bạn trẻ chọn con đường học nghề để làm lối dẫn vào đời sớm, tiết kiệm được nhiều thời gian cũng như tiền bạc của gia đình lại đúng với đam mê bản thân và nhu cầu xã hội.
Bước vào giai đoạn tới, ngành dạy nghề đang đứng trước những cơ hội phát triển mới với nhiệm vụ lớn lao nhưng cũng đầy thách thức để góp phần đưa nước ta chuyển dịch từ một nước nông nghiệp sang một nước công nghiệp theo hướng hiện đại. Đào tạo nguồn nhân lực là một trong những nhân tố đóng vai trò quyết định, trong đó dạy nghề phải đảm nhận đào tạo 60-65% trong tổng số lực lượng lao động. Đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động cả về số lượng, chất lượng, cơ cấu nghề và trình độ đào tạo; chất lượng đào tạo của một số nghề đạt trình độ các nước phát triển trong khu vực ASEAN và trên thế giới; hình thành đội ngũ lao động lành nghề, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; phổ cập nghề cho người lao động, góp phần thực hiện chuyển dịch cơ cấu lao động, nâng cao thu nhập, giảm nghèo vững chắc, đảm bảo an sinh xã hội.
Bên cạnh đó, Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng Phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025” ban hành theo Quyết định số 522/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 14/5/2018 đã xác định mục tiêu đến năm 2020 có ít nhất 30% học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp; đối với các địa phương có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn đạt ít nhất 25%; đến năm 2025, có ít nhất 40% học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp; đối với các địa phương có Điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn đạt ít nhất 30%.
Như vậy có thể thấy phân luồng học sinh sau Trung học cơ sở nói chung và hướng đến học nghề nói riêng nhằm định hướng cho học sinh lựa chọn hướng đi:
- i) Phù hợp với năng lực, sở trường, nguyện vọng, hoàn cảnh và đặc điểm tâm sinh lý của của bản thân học sinh, tạo cơ hội cho họ tiếp tục học tập có hiệu quả;
- ii) Phù hợp với yêu cầu nhân lực của xã hội, của nền kinh tế; góp phần điều chỉnh cơ cấu trình độ và ngành nghề đào tạo nhân lực, đáp ứng nhu cầu chuyển dịch cơ cấu nhân lực, phù hợp với chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong bối cảnh hội nhập quốc tế là một nhiệm vụ trọng tâm của đổi mới giáo dục qua mọi thời kỳ;
iii) Tạo điều kiện cho người học dễ dàng chuyển đổi giữa các chương trình giáo dục, học thường xuyên, học suốt đời, góp phần từng bước xây dựng xã hội học tập. Phân luồng học sinh sau trung học cơ sở rất có ý nghĩa đối với mỗi cá nhân và toàn xã hội.
Bộ Giáo dục đào tạo và Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp trong lãnh đạo và chỉ đạo các cơ sở đào tạo hợp tác, xây dựng các chương trình đào tạo liên thông, tạo điều kiện phân luồng trong hệ thống giáo dục quốc dân như Quyết định 1981/QĐ-TTg quy định, trong đó có:
1) Chương trình giáo dục liên thông dọc từ Trung học cơ sở lên Trung học phổ thông và tiếp theo lên Cao đẳng hoặc Đại học;
2) Liên thông dọc từ Trung học cơ sở lên trung cấp, từ trung cấp lên Cao đẳng hoặc Đại học, Cao đẳng lên Đại học;
3) Đồng thời, cần xây dựng các chương trình đào tạo ngang từ chương trình đào tạo trung cấp của một lĩnh vực/ ngành đào tạo sang chương trình đào tạo trình độ trung cấp của lĩnh vực/ ngành đào tạo khác /hoặt liên thông chéo lên chương trình đào tạo cao đẳng, đại học của lĩnh vực/ ngành đào tạo khác.
————————
Thông tin liên hệ: Trường Trung cấp Bách khoa Yên Bái
Địa chỉ: Số 6/31 đường Lê Văn Tám, P. Đồng Tâm, Tp. Yên Bái, tỉnh Yên Bái
SĐT: 02163890878
Website: http://truongbachkhoayenbai.edu.vn/
Email: trungcapbachkhoayenbai@gmail.com
Fanpage: @truongbachkhoayenbai