Sách đóng vai trò rất quan trọng trong đời sống tinh thần mỗi chúng ta. Là chiếc chìa khóa vạn năng mở cửa lâu đài trí tuệ và tâm hồn con người; là người thầy thắp sáng trong ta nguồn tri thức vô biên, dạy chúng ta biết sống, biết hy sinh. Trước khi có các phương tiện nghe nhìn, thì sách là con đường ngắn nhất để tiếp cận thông tin, văn hóa, tri thức. Đọc sách là một trong những cách thức giúp con người thư giãn, tích lũy kiến thức, tăng cường khả năng tư duy… Có thể nói sách chính là người bạn tâm giao chia sẻ mọi nỗi vui, buồn sâu kín của mỗi con người và đọc sách từ lâu đã trở thành một nhu cầu cần thiết của xã hội loài người trên thế giới
Ảnh minh họa: Trường Trung cấp Bách khoa Yên Bái tham gia ngày hội đọc sách
Trong đời sống tinh thần của mỗi chúng ta, sách là sản phẩm văn hóa tinh thần, là kho tàng tri thức đóng vai trò rất quan trọng, là người thầy vĩ đại thắp sáng trong mỗi chúng ta nguồn tri thức vô tận. Dạy cho chúng ta cách sống, cách làm người, hướng tới những giá trị nhân văn cao cả. Có thể nói sách là những người bạn gần gũi chia sẻ mọi niềm vui, nỗi buồn của mỗi người. Và đọc sách đã trở thành một nhu cầu cần thiết không thể thiếu của mỗi con người. Ở thời đại nào, con người cũng lấy việc học, và đọc sách là một trong những phương cách để hoàn thiện nhân cách con người, để tiến bộ trong cuộc sống cá nhân và đóng góp vào sự phát triển chung của xã hội. Cha ông ta đã coi việc đọc sách là một hành vi văn hóa cao đẹp. Bởi một lẽ rất tầm thường là: Những tinh túy, những kiến thức quý báu, quan trọng và những kinh nghiệm vô giá đều đã được đúc kết trong những trang sách. Nếu chúng ta muốn khám phá thế giới, muốn mở mang tầm nhìn và muốn thành công thì hãy luôn đọc sách vì: “ Không gì tốt hơn việc đọc và hấp thu càng ngày càng nhiều tri thức; Sách là nguồn của cải quý báu của thế giới, là di sản xứng đáng của các thế hệ và các quốc gia” Từ đọc sách, sưu tầm sách, xây dựng tủ sách, thư viện là một phần của việc hình thành văn hóa đọc. Văn hóa đọc là một trong những nguồn năng lượng quan trọng thúc đẩy sự phát triển bền vững.
Nhận thấy tầm quan trọng của văn hóa đọc, ngày 24/2/2014, Thủ tướng Chính Phủ đã ký Quyết định số 284/QĐ-TTg lấy ngày 21/4 hàng năm là ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam nhằm khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, nâng cao nhận thức của nhân dân về ý nghĩa to lớn và tầm quan trọng của việc đọc sách đối với việc phát triển kiến thức, kỹ năng và phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người. Đây thật sự là niềm vui lớn cho những người yêu sách.
Ảnh minh họa: Khu trưng bầy sách cho ngày hội
Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam là sự kiện văn hóa quan trọng đối với những người yêu sách và cả cộng đồng xã hội. Góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm bản sắc dân tộc. Là dịp để tôn vinh giá trị của sách, khẳng định vị trí, vai trò và tầm quan trọng của sách trong đời sống xã hội. Tôn vinh người đọc và những người tham gia sưu tầm, sáng tác, xuất bản, in, phát hành, lưu giữ sách. Đồng thời, nó còn góp phần quan trọng trong việc nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành đối với việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc ở Việt Nam.
Cùng với dòng chảy trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, 77 năm qua,sách và văn hoá đọc đã có những bước phát triển vượt bậc theo thời gian dòng chảy lịch sử.. Điều đó thể hiện ở những con số sau đây: Ngày nay hàng năm xuất bản khoảng trên 25.000 tên sách, Cả nước hiện nay đang xuất bản khoảng gần 400 tên báo, tạp chí, nhiều báo có số lượng xuất bản mỗi số lên tới hàng chục nghìn bản.; Hệ thống thư viện công cộng được phát triển rộng khắp từ các tỉnh tới huyện và đang vươn tới nhiều xã trên toàn quốc, Cả nước bao gồm 64 thư viện tỉnh, 587 thư viện huyện và khoảng hơn 10.000 thư viện và tủ sách cơ sở ở xã. Trong loại thư viện phục vụ công chúng rộng rãi còn phải kể tới hơn 10.000 tủ sách pháp luật xã và cũng khoảng trên 10.000 điểm bưu điện văn hoá xã. Tại các vùng nông thôn Việt Nam đã có khoảng 3 vạn điểm đọc sách báo cho người dân. Qui mô của các thư viện tỉnh và huyện ngày càng được mở rộng về số lượng bản sách, nhân viên phục vụ, trụ sở thư viện và kinh phí hoạt động… Các thư viện tỉnh đang trong giai đoạn tự động hoá, chuyển đổi từ thư viện truyền thống sang thư viện điện tử/thư viện số. Các bước phát triển cả về số lượng lẫn chất lượng đã tạo cho hệ thống thư viện công cộng có sự gần gũi, thân thiện với mọi người dân trên khắp mọi miền đất nước… (Ngoài ra còn có các hệ thống thư viện khác như: thư viện trường phổ thông, thư viện trường đại học, thư viện khoa học kỹ thuật, thư viện quân đội…)
Ngày nay cùng với sự phát triển của nền kinh tế thị trường, bên cạnh đó là sự bùng nổ của khoa học công nghệ, đã kéo theo đó là sự phát triển của các thư viện tư nhân, thư viện gia đình; Đặc biệt khi tốc độ phát triển thuê bao trường truyền Internet và tỷ lệ dân chúng sử dụng Internet của chúng ta đạt một tỷ lệ cao so với khu vực châu Á (với nhiều mô hình đa dạng, phong phú như: Café Sách; Itrenet…) với những tài liệu đọc và những bộ sưu tập rất có giá trị, không chỉ có ở các thành phố mà còn được phát triển ở các vùng nông thôn. Bên cạnh đó Nhiều nhà sách với chuỗi cửa hàng bán sách ra đời, các cửa hàng bán sách theo chuyên đề cũng mọc lên rất nhiều, các siêu thị sách… Cho đến nay chúng ta đã có hơn 12.000 cửa hàng sách và nhà sách tư nhân, Điều đó đã tạo cho công chúng được tiếp cận thường xuyên và dễ dàng hơn với sách mới xuất bản. Hệ thống thư viện công cộng, đã chủ động phối hợi với các cơ quan chức năng tổ chức thường xuyên các cuộc thi kể chuyện sách thiếu nhi trong các dịp hè, nhằm xây dựng và phát triển thói quen đọc sách và phần nào giáo dục kỹ năng đọc sách cho thiếu nhi…Qua đó đã góp phần giáo dục, thúc đẩy nhu cầu văn hóa đọc trong các tầng lớp độc giả, tạo đà để phát triển mục tiêu xây dựng xã hội học tập của đất nước./.
————————————————
Thông tin liên hệ: Trường Trung cấp Bách khoa Yên Bái
Địa chỉ: Số 6/31 đường Lê Văn Tám, P. Đồng Tâm, Tp. Yên Bái, tỉnh Yên Bái
SĐT: 02163890878
Email: trungcapbachkhoayenbai@gmail.com
Fanpage: @truongbachkhoayenbai