Thí sinh cần làm gì để không bị “loạn” khi lựa chọn nguyện vọng?

721

GDVN- Thí sinh cần cân nhắc và quyết định lựa chọn ngành trúng tuyển yêu thích để nộp Giấy chứng nhận kết quả thi và nhập học.

Theo lịch của Bộ Giáo dục và Đào tạo, thí sinh bắt đầu đăng ký dự thi tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh đại học từ 15-30/6, Phó giáo sư Nguyễn Thu Thủy – Quyền Vụ trưởng Vụ giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết:

Luật Giáo dục đại học, quy chế tuyển sinh và các văn bản quy phạm pháp luật, các cơ sở giáo dục đại học, các trường cao đẳng có đào tạo ngành giáo viên mầm non tự chủ và chịu trách nhiệm giải trình về công tác tuyển sinh.

Đề án tuyển sinh của các trường phải được đăng tải trên trang thông tin điện tử của trường đúng thời hạn, phục vụ cho thí sinh đăng ký xét tuyển và báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo để để thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra.

Ảnh minh họa

Việc tổ chức tuyển sinh của các trường phải đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật và đề án tuyển sinh đã công bố.

– Việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh, các điều kiện sơ tuyển, điều kiện xét tuyển, tổ hợp xét tuyển, chính sách ưu tiên của trường… phải minh bạch, công khai, gắn với yêu cầu của ngành đào tạo, hướng tới mục đích lựa chọn thí sinh có học lực tốt, tâm huyết với ngành nghề… để nâng cao chất lượng đào tạo, đảm bảo khả năng có việc làm của sinh viên sau tốt nghiệp.

Các thông tin trong đề án tuyển sinh phải rõ ràng, chính xác, đúng quy định; không được mập mờ, chung chung, dễ gây hiểu nhầm cho thí sinh và phụ huynh.

– Việc xác định các tổ hợp xét tuyển phải phù hợp với ngành đào tạo; tránh đưa ra các tổ hợp tuyển sinh không phù hợp với ngành nghề đào tạo.

Việc các trường đưa ra nhiều tổ hợp để xét tuyển với mong muốn làm tăng cơ hội trúng tuyển cho thí sinh, tuy nhiên thực tế lại làm phức tạp cho công tác tổ chức xét tuyển, làm nhiễu thông tin trong việc lựa chọn tổ hợp đăng ký xét tuyển của thí sinh.

– Đối với các quy định mới có ảnh hưởng đến quá trình chuẩn bị đăng ký xét tuyển của thí sinh, trường cần sớm công bố và có lộ trình triển khai thực hiện phù hợp, tạo điều kiện cho thí sinh có đủ thời gian chuẩn bị, đáp ứng yêu cầu của trường.

Cũng theo bà Thủy, các cơ sở đào tạo được tự chủ trong việc xác định phương thức tuyển sinh như thi tuyển, xét tuyển và kết hợp giữa thi tuyển với xét tuyển.

Qua đề án tuyển sinh đã công khai trên cổng thông tin điện tử của các trường, hầu hết các trường vẫn sử dụng kết quả thi trung học phổ thông và kết quả học tập trung học phổ thông để xét tuyển.

Công tác tuyển sinh của các trường thuộc khối ngành Công an và Quân đội giữ ổn định như các năm trước.

Việc các trường sử dụng nhiều phương thức xét tuyển trong tuyển sinh sẽ tăng cơ hội trúng tuyển và lựa chọn vào các ngành yêu thích và các trường yêu thích của mình.

Tuy nhiên, việc này cũng làm cho thí sinh bối rối khi đăng ký xét tuyển và khi có nhiều trường cùng có thông báo trúng tuyển.

Quy chế tuyển sinh hiện hành đã quy định: "Thí sinh xác nhận nhập học vào trường đã trúng tuyển trong thời hạn quy định bằng cách gửi bản chính Giấy chứng nhận kết quả thi đến trường trực tiếp hoặc bằng hình thức thư chuyển phát nhanh, thí sinh đã xác nhận nhập học thì không được tham gia xét tuyển ở các trường khác".

Vì vậy, thí sinh cần cân nhắc và quyết định lựa chọn ngành trúng tuyển yêu thích để nộp Giấy chứng nhận kết quả thi và nhập học.

Nguồn: Giaoduc.net