Dạy – học mùa COVID-19: kịch bản nào?

706

Chuẩn bị trước các phương án để không bị động là cách một số nhà trường tự "phòng thân" trong tình thế chưa có chỉ đạo cụ thể của các cấp quản lý, không chỉ của ngành giáo dục.

Thế nhưng hầu hết các trường vẫn đang mong có một quy định cụ thể để chủ động hơn nữa khi còn nhiều ngổn ngang mà năm học mới đã gần kề.

Chuẩn bị nhiều phương án

Thầy Nguyễn Xuân Khang – hiệu trưởng Trường phổ thông liên cấp Marie Curie (Hà Nội) – cho biết theo kế hoạch, ngày 3-9 học sinh của trường tập trung chuẩn bị cho khai giảng ngày 5-9 và bắt đầu thời gian thực học. 

Ở thời điểm này, hi vọng dịch bệnh có thể kiểm soát được để học sinh đi học bình thường. Tuy nhiên, dịch bệnh vẫn không lường trước được, vì thế, rút kinh nghiệm từ năm học trước, nhà trường đã có chuẩn bị phương án khác nhau.

"Trường hợp dịch bệnh còn phức tạp, TP yêu cầu học sinh không đến trường hoặc thực hiện đi học giãn cách, chúng tôi sẽ áp dụng phương án 2 là dạy học trực tuyến toàn bộ hoặc một phần. Để chủ động, nhà trường đã đầu tư cho hạ tầng CNTT, thiết kế bài giảng trực tuyến. Giáo viên và học sinh đã có một thời gian tập huấn và triển khai dạy học trực tuyến" – thầy Khang chia sẻ.

Tuy nhiên, thầy Khang cũng băn khoăn về việc học sinh lớp 1 sẽ gặp khó khăn nếu nhà trường phải dạy học trực tuyến hoàn toàn. Theo thầy Khang, học sinh lớp 1 từ mầm non lên còn nhiều bỡ ngỡ, chưa vào nề nếp, cũng chưa thể học trực tuyến được. Nên nếu tình huống này xảy ra cần có sự hướng dẫn để điều chỉnh kế hoạch triển khai chương trình chậm hơn.

Trường THPT Yên Hòa (Hà Nội) cũng đã xây dựng các phương án dạy học khác nhau để "chủ động đối phó với dịch bệnh". Theo cô Nguyễn Thị Nhiếp – hiệu trưởng nhà trường, học kỳ 2 của năm học trước, dù chỉ là giải pháp tình thế nhưng thực tiễn đó rất đáng giá để nhà trường rút kinh nghiệm, xây dựng kế hoạch chủ động cho năm nay, từ cách quản lý, kiểm soát chất lượng dạy học trực tuyến đến việc thiết kế chủ đề, bài học.

"Trong tình huống học sinh đi học bình thường, chúng tôi vẫn sử dụng hình thức dạy học qua Internet để bổ trợ cho việc dạy học trực tiếp để tiết kiệm thời gian cho giáo viên đổi mới phương pháp. Nếu như có dịch bệnh bùng phát hoặc lý do khác mà học sinh không đến trường, việc chuyển sang dạy học trực tuyến sẽ chủ động hơn" – cô Nhiếp chia sẻ.

Học phí dạy – học trực tuyến: tính sao?

Đây cũng là một vấn đề mà không chỉ các trường, còn có nhiều phụ huynh rất quan tâm. Theo thầy Khang, để phụ huynh không bị động và có phản ứng tiêu cực, nhà trường sẽ công khai kế hoạch dạy học trực tuyến trong tình huống cần thiết và trưng cầu ý kiến về mức học phí. 

"Sẽ không thể thu học phí 100% như dạy học trực tiếp, nhưng mức cụ thể bao nhiêu cần có sự thỏa thuận, chia sẻ ủng hộ của cha mẹ học sinh" – thầy Khang nói.

Tuy nhiên, không phải nhà trường nào cũng chủ động xây dựng phương án ứng phó. Việc trông đợi vào chỉ đạo của cấp trên vẫn phổ biến. Trong khi tới thời điểm này, các hướng dẫn cho nhà trường về việc chuẩn bị các phương án khác nhau để lường trước những tình huống cụ thể có thể xảy ra trong năm học đang đến gần vẫn chưa có.

Tại TP.HCM, thời điểm này học sinh các trường công lập chưa tựu trường nhưng đa số học sinh các trường ngoài công lập đều đã bước vào năm học mới. 

Một số phụ huynh băn khoăn gọi điện đến báo Tuổi Trẻ phản ảnh: "Trường của con tôi đưa ra điều khoản mới là trong trường hợp các cơ quan chức năng yêu cầu đóng cửa trường học thì nhà trường sẽ triển khai hình thức dạy và học trực tuyến. Và như vậy phụ huynh phải thanh toán đầy đủ toàn bộ học phí và sẽ không hoàn lại – ngay cả trong trường hợp phụ huynh tự rút học sinh ra khỏi trường hoặc không tham gia học trực tuyến. Luật có cho phép như vậy không? Bộ GD-ĐT có quy định như thế nào trong việc dạy và học online? Nếu nhà trường dạy online nhưng không đạt được hiệu quả như mong muốn thì sao?".

Giáo viên cũng bối rối

Hiệu trưởng một trường THPT ở TP.HCM còn đề xuất trước tình hình dịch bệnh như hiện nay, vị này đoán chắc sẽ phải kết hợp dạy trực tiếp và dạy trực tuyến nên mong Bộ GD-ĐT sớm ban hành thông tư về tổ chức dạy học trực tuyến. Trên cơ sở đó, các trường sẽ xây dựng kế hoạch năm học cụ thể. 

"Đợt nghỉ học vì dịch bệnh vừa rồi là chúng tôi rất lúng túng, việc dạy trực tuyến cũng diễn ra theo kiểu động viên là chính. Những thầy cô không rành về CNTT nhà trường cũng du di. Tuy nhiên, năm học tới nếu Bộ GD-ĐT đã có thông tư hướng dẫn thì giáo viên sẽ không thoái thác được" – vị này nói.

Thạc sĩ Nguyễn Hồ Thụy Anh, cố vấn chương trình học tiếng Anh online Apax Story Time, chia sẻ rằng không phải cứ hô hào dạy trực tuyến là giáo viên có thể làm được ngay và dạy hiệu quả. Các giáo viên cũng không thể bê nguyên xi giáo án dạy trực tiếp qua dạy trực tuyến. 

Hiện nay, nhiều giáo viên đã quen với phương pháp truyền thụ một chiều, nhiều học sinh cũng quen với cách học mà giáo viên phải "cầm tay chỉ việc" từng chút một. 

"Cứ thử tưởng tượng: giáo viên dạy qua mạng mà nói liên tục trong mấy chục phút trong tình trạng mạng chập chờn thì rất có thể học sinh sẽ mở máy để đó nhưng các em làm việc khác. Thế nên, các thầy cô cần được tập huấn để soạn giáo án cho phù hợp với đặc điểm tâm lý lứa tuổi của học sinh, biết sử dụng nguồn học liệu phong phú trên mạng, có kỹ năng gợi mở, đưa ra những câu hỏi dẫn dắt nhằm phát huy tinh thần tự học của học sinh…" – bà Thụy Anh gợi mở

Nguồn: tuoitre.vn