Văn Chấn: Giảm điểm trường, tăng chất lượng

1933

Đề án sắp xếp quy mô mạng lưới trường lớp đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông trên địa bàn huyện Văn Chấn giai đoạn 2016 – 2020 đã hoàn thành. Sau sắp xếp, toàn huyện có 62 trường mầm non, phổ thông trực thuộc.

Sau sắp xếp học sinh người dân tộc thiểu số, vùng khó khăn của huyện được học tập tron những điều kiện tốt hơn

Cũng giống như nhiều địa phương trong huyện trước đây, để tăng tỷ lệ huy động trẻ đến trường, duy trì sĩ số học sinh, bảo đảm thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, duy trì phổ cập giáo dục tiểu học và THCS, các trường học trên địa bàn xã Đồng Khê đã thành lập nhiều điểm trường lẻ tại các thôn, bản. 

Chính vì vậy, Trường Tiểu học Đồng Khê từ năm học 2014-2015 đến năm học 2015-2016 có 2 điểm trường (điểm trường chính và 1 điểm trường lẻ đặt ở thôn Ao Sen). Quy mô điểm trường, lớp học như vậy đã không còn phù hợp, có nhiều điểm bất cập. 

Từ năm học 2016-2017 đến nay, thực hiện Đề án sắp xếp quy mô mạng lưới trường lớp đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông trên địa bàn huyện giai đoạn 2016 – 2020, nhà trường tiến hành sáp nhập điểm lẻ về điểm chính. Theo đó, cơ sở vật chất của nhà trường được đầu tư xây dựng và tu sửa khang trang. 

Cô giáo Bùi Thị Lệ Thủy – Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: "Được sự đồng thuận của phụ huynh học sinh, từ năm học 2016 – 2017, nhà trường đã hoàn thành thực hiện lộ trình Đề án, đưa được điểm lẻ về điểm chính. 100% phụ huynh đều hiểu lợi ích của việc đưa điểm lẻ về điểm chính và ai cũng mong muốn con em mình được học trong những điều kiện tốt nhất. Nhà trường xác định đây là điều kiện để nâng cao chất lượng giáo dục và đã đạt chuẩn vào cuối năm 2019”.

Sau sắp xếp, toàn huyện Văn Chấn có 62 trường mầm non, phổ thông trực thuộc. Trong đó có 1 trường phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT) THCS với 358 học sinh; 11 trường phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT), 10 trường phổ thông có học sinh bán trú với 3.131 học sinh bán trú.

So với trước khi thực hiện Đề án đã giảm 28 trường, giảm 90 điểm lẻ, đưa 205 lớp, 4.717 học sinh từ điểm lẻ về điểm chính, tăng 3 trường PTDTBT, tăng 3 trường phổ thông có học sinh bán trú, số học sinh bán trú tăng 982 học sinh. Giai đoạn thực hiện Đề án, các cơ sở giáo dục trên địa bàn huyện được đầu tư 87 dự án, xây mới 270 phòng học, 109 phòng ở bán trú, 26 bếp – phòng ăn và nhiều công trình phụ trợ để đảm bảo điều kiện thực hiện Đề án. 

Trong quá trình triển khai thực hiện Đề án, ngoài nguồn vốn ngân sách Nhà nước, toàn huyện đã huy động được 20,981 tỷ đồng vốn xã hội hóa do các tập đoàn, các tổ chức, đơn vị tài trợ. Ngoài ra, các địa phương cũng đã tích cực huy động xã hội hóa để đầu tư xây dựng các hạng mục phụ trợ, cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất phục vụ cho các hoạt động dạy và học trên 10,7 tỷ đồng.

Được quy hoạch lại theo hướng tinh gọn, giảm các trường và điểm trường nhỏ lẻ để tập trung và tiết kiệm nguồn lực đầu tư, phát huy tối đa hiệu quả sử dụng cơ sở vật chất, trang thiết bị, giúp học sinh được tập trung học tập, sinh hoạt tại điểm trường chính có điều kiện tốt hơn, góp phần nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý và chất lượng giáo dục toàn diện. Số con em nhân dân các dân tộc huyện Văn Chấn được học bán trú và hưởng chính sách tăng, nhất là học sinh vùng khó khăn. 

Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học được đầu tư, tăng cường với tổng kinh phí lên tới trên 300 tỷ đồng, tỷ lệ phòng học kiên cố hóa tăng 11,9% so với trước khi thực hiện Đề án. Từ yếu tố trên, tỷ lệ chuyên cần thay đổi rõ rệt, đối với mầm non đạt 100%, các bậc học khác đạt trên 97%, nguy cơ học sinh bỏ học giảm nhiều so với trước khi thực hiện Đề án. 

Những chỉ tiêu về con số được đảm bảo theo đúng lộ trình, đúng mục tiêu mà Đề án đặt ra. Sau sắp xếp, giáo dục ổn định, học sinh được học tập trong điều kiện tốt hơn, chất lượng giáo dục được nâng lên chính là thành công đích thực của Đề án.

Từ đó, tạo tiền đề để huyện tập trung nguồn lực đầu tư, gắn việc xây dựng các trường chuẩn quốc gia với kế hoạch xây dựng nông thôn mới để xây dựng cơ sở vật chất, đảm bảo các tiêu chí, đáp ứng đủ điều kiện công nhận lại, công nhận mới các trường đạt chuẩn quốc gia. Đến nay, toàn huyện có 19 trường và dự kiến đến cuối năm 2020 sẽ có tổng số 24 trường đạt chuẩn quốc gia.

Nguồn: baoyenbai.com