(Dân trí) – “Từ ngày được Đảng, Nhà nước quan tâm và lấy ngày 4/10 làm Ngày Kỹ năng lao động Việt Nam, em cảm thấy con đường đã sáng lạn hơn rất nhiều đối với các bạn học nghề”, nam sinh Lương Văn Tiến nói.
Năm 2020, với Quyết định số 1486/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ngày 4/10 hàng năm đã trở thành Ngày Kỹ năng lao động Việt Nam.
Theo Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (GDNN), việc có Ngày Kỹ năng lao động Việt Nam là hết sức cần thiết vừa để hội nhập với xu thế tôn vinh người lao động có kỹ năng của các nước trên thế giới, đồng thời thúc đẩy nâng cao nhận thức về tầm quan trọng, vai trò, giá trị của người lao động Việt Nam có kỹ năng trong tình hình mới.
Sau 2 năm, Ngày Kỹ năng lao động Việt Nam góp phần nhắc nhở, khích lệ tinh thần học tập, rèn luyện suốt đời dựa vào kỹ năng để nâng cao trình độ của học sinh, sinh viên và người lao động; tôn vinh và nâng cao vị thế, tầm quan trọng của người lao động có kỹ năng, đặc biệt là người lao động có kỹ năng nghề xuất sắc.
Nhân ngày 4/10 năm nay, thầy Đỗ Văn Doanh (giảng dạy tại khoa Điều dưỡng tại Trường Cao đẳng Y tế Quảng Ninh) vinh dự được tôn vinh là một trong những nhà giáo giáo dục nghề nghiệp tiêu biểu.
Chia sẻ về trải nghiệm lần đầu tiên trong đời này, thầy Doanh không giấu được niềm tự hào: “Đây là lần đầu tiên tôi được tham dự lễ vinh danh, tôn vinh những người có kỹ năng nghề nghiệp.
Đây là một hoạt động hết sức ý nghĩa, là sự động viên khích lệ và tạo động lực cho cá nhân tôi và mọi người có thể tiếp tục cố gắng, cống hiến để mang lại những giá trị lao động tốt đẹp cho xã hội. Đặc biệt, tôi cũng cảm thấy tự hào với công việc của mình đang làm và giá trị mà mình tạo ra”.
Thầy Doanh mong mỏi trong tương lai, nghề điều dưỡng sẽ có được đãi ngộ xứng đáng, để các học trò của thầy tiếp tục vững chãi lòng yêu nghề.
Em Võ Huỳnh Kim Ngân là sinh viên khoa Dược tại Trường Cao đẳng Y tế An Giang, là một trong số các sinh viên GDNN tiêu biểu được Tổng cục GDNN vinh danh.
Nhân dịp ngày 4/10, ngày Kỹ năng Lao động Việt Nam, Ngân chia sẻ đây chắc chắn là một ngày rất quan trọng để tôn vinh những người lao động có kỹ năng nghề nghiệp giỏi.
“Nếu người lao động có kỹ năng nghề nghiệp giỏi đồng nghĩa với việc họ sẽ giỏi cả kỹ năng chuyên môn lẫn kỹ năng mềm. Việc tôn vinh họ chính là cách để lớp trẻ, những thế hệ sau có thể học theo và cải thiện thêm những kỹ năng mình đang có và bổ sung thêm những kỹ năng mình chưa có”.
Chia sẻ thêm, Ngân cũng luôn chú trọng những kỹ năng về lý thuyết của nghề lẫn những kỹ năng thực hành: “Học ngành dược đòi hỏi phải có những lý thuyết căn bản, nền tảng thì mới hiểu được những thứ sâu xa trong ngành.
Tuy nhiên, để nhớ được lý thuyết thì vẫn phải có thực hành, muốn nhớ và làm tốt thì phải tiếp xúc trực tiếp với nó. Do đó, để có được kỹ năng nghề nghiệp tốt nhất thì phải có sự kết hợp nhuần nhuyễn, thuần thục giữa lý thuyết và thực hành. Nếu lý thuyết chiếm 3,4 phần thì thực hành nên chiếm 6,7 phần”.
Về kỹ năng nghề nghiệp của mình, Ngân chia sẻ bản thân được đào tạo rất kỹ về các kỹ năng cả về chuyên môn lẫn các kỹ năng mềm tại trường: “Các kỹ năng chuyên môn mình được học thường xoay quanh về thuốc như: Tác dụng của thuốc này là gì? Những thuốc nào không được kết hợp với nhau? Quy trình sản xuất thuốc bao gồm những bước gì?…
Còn về nhóm kỹ năng mềm, mình cũng phải trải qua những các kỹ năng như bao bạn sinh viên ở các ngành khác như kỹ năng giao tiếp, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng tin học và đặc biệt là kỹ năng tư vấn nữa”.
Nam sinh Lương Văn Tiến, Trường Cao đẳng Kinh tế – Kỹ thuật Vĩnh Phúc cho hay: “Để rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp, bản thân em cần đặt được ra mục tiêu cụ thể, chịu được áp lực để vượt qua sức nặng của những kỳ thi và đủ kiến thức để hóa giải đề thi của ban tổ chức.
Còn về quá trình ôn thi thì cũng giống như các bạn ôn thi đại học, ngoài ôn những kiến thức có sẵn em còn học hỏi thêm trên mạng và trên cộng đồng, nhóm trên mạng xã hội để tích lũy thêm kiến thức và kinh nghiệm để bước ra sân chơi lớn này”.
Văn Tiến rất phấn khởi nhân dịp được vinh danh là một trong những sinh viên tiêu biểu, em nói: “Từ ngày được Đảng, Nhà nước quan tâm và lấy ngày 4/10 làm Ngày Kỹ năng lao động Việt Nam, em cảm thấy con đường đã sáng lạn hơn rất nhiều đối với các bạn học nghề.
Cá nhân em rất may mắn được tiếp cận với những kỳ thi đọ sức với nhau thông qua tay nghề không chỉ mang lại cho em những bài học kinh nghiệm mà còn giúp em trưởng thành hơn”.
Nguồn: Mai Châm, Quang Trường và Đinh Phương Nhung
https://dantri.com.vn/giao-duc-huong-nghiep/giao-vien-sinh-vien-truong-nghe-ho-hoi-don-ngay-ky-nang-lao-dong-viet-nam-20221003221729555.htm