Lối rẽ nào cho học sinh không học tiếp lên THPT ?

544

Thực tế cho thấy, không nhiều sinh viên khi ra trường có thể theo đúng ngành học mình đã chọn. Trong khi đó, việc hướng nghề cho học sinh bậc học phổ thông vẫn đang là bài toán chưa có lời giải thực sự thỏa đáng. Điều này dẫn đến tình trạng nhiều bạn trẻ không tìm được việc làm sau khi ra trường, làm lãng phí nguồn đào tạo của xã hội và lãng phí nhân lực trẻ.

Đại học là mơ ước của hầu hết các em học sinh nhưng đó không phải là con đường duy nhất để đi đến thành công….

Theo yêu cầu của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Đề án tuyển sinh của các trường đại học (ĐH) phải thống kê tỷ lệ sinh viên có việc làm hàng năm. Dẫu thế, tỷ lệ sinh viên có việc làm đúng ngành nghề đào tạo đạt bao nhiêu phần trăm, bao nhiêu sinh viên ra trường hàng năm được doanh nghiệp tuyển dụng đánh giá cao về kỹ năng vẫn là câu hỏi lớn. Trong khi bài toán hướng nghiệp học sinh ở bậc học phổ thông vẫn mông lung chưa có lời giải; tâm lý thích làm thầy hơn làm thợ vẫn phổ biến trong xã hội. Điều này gây lãng phí nguồn nhân lực để phát triển xã hội. Từ số này, Báo Đại Đoàn Kết khởi đăng loạt bài “”Bất cập khi thích làm thầy, không làm thợ”

Cánh cửa vào trường THPT công lập khá hẹp khi chỉ tiêu hằng năm chỉ đáp ứng 60-70% số lượng thí sinh dự thi. Thế nên kỳ thi vào lớp 10 luôn được coi là cuộc đua chưa bao giờ hạ nhiệt. Vậy hơn 30% số học sinh còn lại, lối rẽ nào cho các em khi không học tiếp lên THPT?

Áp lực từ sự kỳ vọng

Lâu nay, sức nóng của kỳ thi vào lớp 10 THPT công lập tại các địa phương, đặc biệt là các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM chưa năm nào bớt nóng, mà thậm chí năm sau còn nóng năm trước. Nhìn lại kỳ thi vào lớp 10 THPT công lập tại Hà Nội năm học 2022-2023, có thể thấy áp lực thi cử đè nặng lên vai học sinh, phụ huynh và giáo viên.

So với năm 2021, kỳ thi năm nay của Hà Nội có nhiều hơn 19 điểm thi, số thí sinh dự thi cũng nhiều hơn 14.000 em. So với 6 kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 công lập trước đó, đây là năm thành phố có số lượng thí sinh đăng ký dự thi đông nhất với gần 107.000 thí sinh. Các em phải cạnh tranh qua “cánh cửa hẹp” để nằm trong khoảng 77.000 chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 trường THPT công lập.

Như vậy, với con số nêu trên thì chỉ có hơn 60% học sinh có cơ hội đỗ vào các trường THPT công lập. Để có một tấm vé vào lớp 10 công lập, trước mỗi kỳ thi, thậm chí là cả 3 năm học bậc THPT, học sinh quay cuồng với ôn tập thi cử, phụ huynh thì căng thẳng lo âu.

Áp lực của kỳ thi không chỉ ở sự cạnh tranh mà còn ở sự kỳ vọng của phụ huynh khi muốn con mình thi vào được ngôi trường THPT công lập tốt nhất. Sau khi biết kết quả thi, em Trịnh Minh Ngọc, học sinh trên địa bàn quận Tây Hồ (Hà Nội) chỉ biết ngồi một mình trong phòng, không cười đùa hay nói chuyện với bất kỳ ai vì điểm số thấp. Ngọc là một trong số khoảng 30.000 học sinh năm nay không đủ điểm vào lớp 10 công lập. Đây là con số đã được dự báo trước trong viễn cảnh tỷ lệ cạnh tranh năm nay cao kỷ lục.

Dẫu thế, trước thềm năm học mới 2022-2023, vẫn có không ít những gia đình tìm cách để kiếm cho bằng được một suất vào học trường công lập cho con em mình. Thậm chí có không ít gia đình chấp nhận phương án đi “đường vòng”, cho con học tạm ở một trường THPT công lập ngoại thành, chờ kết thúc học kỳ I sẽ xin trở lại vào một trường THPT công lập trong nội thành.

Ranh giới giữa tư vấn hướng nghiệp và “ép” học sinh

Công tác phân luồng, hướng nghiệp đối với học sinh sau bậc THCS đã được ngành giáo dục thực hiện nhiều năm qua. Đây là chủ trương đúng đắn tuy nhiên, trong thực tiễn công tác này nảy sinh những bất cập khiến dư luận chưa đồng tình. Ông Hồ Tuấn Anh – Hiệu trưởng Trường THCS Quỳnh Phương (thị xã Hoàng Mai, Nghệ An) cho rằng, những bất cập không phải do chủ trương, chính sách, mà do cách làm của một số đơn vị chưa phù hợp, thậm chí trái quy định.

Từ cách làm không đúng dẫn đến việc phân luồng, hướng nghiệp trở thành tình trạng ép buộc học sinh, gây nhức nhối xã hội. Trở lại thời điểm giữa tháng 4, Hà Nội rộ thông tin về việc một số trường THCS trên địa bàn ngăn cản việc thi vào lớp 10 với những học sinh có học lực không tốt. Đáng nói, thông tin này không phải là cá biệt. Nhiều năm công tác trong ngành giáo dục, TS Nguyễn Tùng Lâm – Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng Giáo dục Trường THPT Đinh Tiên Hoàng cho hay, tình trạng ngăn cản học sinh yếu, kém thi vào 10 là do bệnh thành tích đã tồn tại từ lâu chứ không phải bây giờ mới xuất hiện.

Bộ GDĐT cũng nhìn nhận, những đồn đoán này đã diễn ra nhiều năm nay, nhất là vào thời điểm chuẩn bị bước vào kỳ thi lớp 10 ở Hà Nội. Đây cũng là dịp các trường THCS của Hà Nội làm công tác hướng nghiệp.

TS Hoàng Ngọc Vinh – nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục nghề nghiệp (Bộ GDĐT) cho rằng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng giáo viên ép học sinh có học lực yếu, kém không thi vào lớp 10 là do tư duy tiếp cận vấn đề của các nhà trường, giáo viên đã lệch hướng từ ban đầu. “Tư duy cứ học sinh có học lực yếu, kém thì sẽ vào học nghề là một sai lầm và trường phổ thông hiện nay chưa đủ năng lực để làm công tác phân luồng, hướng nghiệp” – ông Vinh nêu quan điểm.

Nhiều con đường mở ra khi học xong THCS

Với phụ huynh, tư duy “con phải học lớp 10 công lập” đã tồn tại từ lâu và phổ biến trong xã hội. Vậy tại sao chúng ta không thay đổi tư duy này trong khi quan điểm học đại học không phải là cánh cửa duy nhất đã dần thay đổi. Với sự phát triển của các ngành các nghề theo yêu cầu của thị trường lao động và nhu cầu của người học, việc không thi đỗ vào lớp 10 công lập không có nghĩa là cánh cửa đã đóng bởi có rất nhiều mô hình khác để đào tạo các em sau bậc THCS.

Những năm gần đây, hệ thống các trường ngoài công lập phát triển mạnh. Nhiều trường đi đầu trong áp dụng phương pháp dạy học hiện đại, tiên tiến. Tuy nhiên học phí hệ thống này cao hơn công lập là một trong những yếu tố khiến học sinh có điều kiện không dư dả phải cân nhắc.

Nếu không có điều kiện học các hệ thống trường ngoài công lập, học sinh có thể lựa chọn học ở các trung tâm giáo dục thường xuyên. Hoàn thành xong chương trình lớp 12, học sinh ra trường thi tốt nghiệp cùng các học sinh của chương trình THPT chính quy. Bằng tốt nghiệp hiện nay không phân biệt giữa 2 hình thức đào tạo chính quy hay giáo dục thường xuyên. Một lựa chọn khác là vào các trường nghề. Hiện nay hệ thống trường nghề khá nhiều tại các địa phương. Học sinh có thể học song song giữa các môn văn hóa và học nghề.

Tư vấn hướng nghiệp không khéo sẽ dẫn tới hiểu lầm

Thời điểm các tháng 3, 4, 5/2022 vẫn tồn tại thực tế là một số trường nghề phối hợp với trường THCS vận động học sinh không đủ khả năng thi vào lớp 10 công lập chuyển sang hướng học nghề. Ranh giới giữa tư vấn hướng nghiệp và ép học sinh rất mỏng, nếu các trường làm không khéo sẽ dẫn tới hiểu lầm.

Trong khi đó, phụ huynh luôn muốn con làm thầy chứ không làm thợ. Đây là tâm lý truyền thống và khó có thể thay đổi được. Hiện nay, đa số lựa chọn học nghề là các học sinh có điều kiện không dư dả hay hoàn cảnh khó khăn vì khi học nghề các em được miễn học phí học nghề và có 2 bằng song song sau khi tốt nghiệp.

Tương lai của học sinh phụ thuộc hoàn toàn năng lực của các em. Nếu phụ huynh nhận thấy con thực sự không có khả năng học THPT thì có thể lựa chọn cho con vào học tại các trường trung cấp hoặc cao đẳng nghề. Ở đây, học sinh đều có nhiều cơ hội học tập tiếp. Học ở đâu không quan trọng bằng sự nỗ lực của học sinh như thế nào.

Nguồn: Nguyễn Hoài

http://gdnn.gov.vn/AIAdmin/News/View/tabid/66/newsid/39442/seo/Bat-cap-khi-thich-lam-thay-khong-lam-tho–Bai-1-Loi-re-nao-cho-hoc-sinh-khong-hoc-tiep-len-THPT-/Default.aspx