Quan điểm định hướng phát triển giáo dục của cố Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu

660

Theo nhận định của nhiều chuyên gia, đây là quan điểm chỉ đạo chiến lược phát triển ngành giáo dục không chỉ ở thời kỳ đó mà hiện nay vẫn còn nguyên giá trị.

LTS: Sinh thời, cố Tổng bí thư Lê Khả Phiêu rất quan tâm đến giáo dục, có những quan điểm chỉ đạo mang tính chất định hướng. Tại buổi làm việc với đội ngũ cán bộ chủ chốt Bộ Giáo dục và Đào tạo ngày 21/2/1998, ông đã chia sẻ về quan điểm định hướng cho quy hoạch hệ thống giáo dục nói chung và hệ thống giáo dục đại học Việt Nam nói riêng.

Theo nhận định của nhiều chuyên gia, đây là quan điểm chỉ đạo chiến lược phát triển ngành giáo dục không chỉ ở thời kỳ đó mà vẫn còn nguyên giá trị trong giai đoạn hiện nay.


Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu

Nguyên văn đoạn trích như sau:

“… Ngành Giáo dục và Đào tạo đang cần giải một bài toán rất khó là phải thỏa mãn đồng thời yêu cầu tăng số lượng, đảm bảo chất lượng và nâng cao hiệu quả giáo dục và đào tạo trong điều kiện nguồn lực còn rất hạn hẹp.

Bài toán này cũng khó như bài toán chung hiện nay của đất nước là phải tạo ra một sự tăng trưởng nhanh chóng từ một điểm xuất phát rất thấp, hoặc bài toán của thời kỳ kháng chiến trước đây là một nước nghèo mà phải đánh thắng kẻ thù giàu mạnh hơn mình gấp nhiều lần.

Kinh nghiệm cho thấy muốn giải được bài toán khó đó phải rất sáng tạo, phải dựa vào sức mạnh tổng hợp của toàn hệ thống.

Trong trường hợp của giáo dục đào tạo, phải dựa vào sự hợp đồng tác chiến của các “binh chủng” giáo dục khác nhau, các loại hình đào tạo khác nhau, các loại trường khác nhau.

Phải phối hợp hài hòa các đơn vị khác nhau trong một nhà trường, các trường khác nhau trên một địa bàn, các mô hình trường khác nhau trong cả hệ thống giáo dục. Để làm được điều đó phải có quan điểm toàn cục, chống các xu hướng bản vị, cục bộ...”

Nguồn: giaoduc.net.vn