Việc định hướng nghề nghiệp cho học sinh: “Chọn nghề, chọn số phận”

1139

Khi chọn nghề và chọn trường, học sinh tính toán phù hợp để không rơi vào tình trạng "vỡ mộng" vì lựa chọn sai lầm.

Bất cứ phụ huynh nào cũng quan tâm việc định hướng đúng ngành nghề cho con sau khi học hết lớp 12. Thực tế cho thấy, nhiều thí sinh chạy theo trào lưu và đổ xô đăng ký vào những ngành "hot" dù khả năng có hạn để rồi bị trượt. Vậy làm sao để giúp các em có được sự chuẩn bị tốt nhất?

Chọn nghề rồi mới chọn trường

Chia sẻ với PV, nhà giáo Hà Xuân Nhâm, Hiệu trưởng trường THPT Phan Huy Chú (Đống Đa, Hà Nội) nhấn mạnh, việc hướng nghiệp cho học sinh phải thực hiện từ đầu cấp học.

Đó là một quá trình, không phải đến lớp 12 mới làm. Các em cần biết mục tiêu nghề nghiệp của mình thì mới nỗ lực trên đường học tập.

Thứ hai, cần xác định chọn nghề mới chọn trường. Chọn nghề thường theo nguyện vọng, chọn trường lại theo khả năng. Quá trình chọn nghề, chọn trường các em phải "tỉnh" để có quyết định phù hợp với bản thân.

Ví dụ, cùng muốn làm một công việc nhưng học tốt thì các em thi vào trường top đầu, trình độ chưa tốt thì thi vào cùng khoa đó nhưng của trường top giữa, top sau.

Khi vào trường ĐH, nỗ lực vươn lên, học sinh này có thể không thua kém các bạn học giỏi mà ít kỹ năng thực tế hơn các em.


Công tác hướng nghiệp cho học sinh cần được chú trọng ngay từ khi các em mới bước vào lớp 10.

Thứ ba, cần xét đến yêu cầu của xã hội trong tầm nhìn ít nhất là 7-8 năm. Nếu cứ chạy theo trào lưu thì đến khi thực ra nghề dễ rơi vào khủng hoảng thừa, ngành Tài chính – Ngân hàng ở những năm trước là một ví dụ.

Cũng theo thầy Nhâm, trường dạy kỹ về những vui – buồn, gian nan mà nghề mang đến để học sinh thấu hiểu, nghề nào cũng có cái khổ nhưng không nỗi khổ nào bằng nỗi khổ thất nghiệp.

Mặt khác, các em cũng cần hiểu rằng "nghề nghiệp không phải khi nào cũng tỉ lệ thuận với thu nhập". Có nghề rất cao quý nhưng thu nhập lại không cao và ngược lại.

Thực tế cho thấy, có không ít người đã giàu có và đủ sống dài lâu nhưng họ vẫn muốn cống hiến cho xã hội. Như vậy, nghề nghiệp không những mang đến thu nhập mà còn là thể hiện tư cách và giá trị của mỗi người.

Chọn nghề là chọn số phận

Thầy Nhâm cho biết thêm, trong nhiều năm qua, nhà trường đã tuyên truyền để tác động sâu sắc đến nhận thức của học sinh về công tác hướng nghiệp.

Tên của bài hướng nghiệp mang giá trị cảnh tỉnh, đặc hữu, bắt đầu và riêng có ở trường từ hàng chục năm nay: "Chọn nghề là chọn số phận".

Với bộ 10 câu hỏi thức tỉnh được đặt ra khiến học trò khó có thể thờ ơ và phải nghiêm túc nghĩ về tương lai của mình.

Trường mời chuyên gia giỏi đến trao đổi và hướng dẫn học sinh. Tổ chức họp chung và gặp riêng phụ huynh để tư vấn hướng nghiệp bằng nhiều cách khác nhau.

Đó là chia nhóm ngành nghề của chính phụ huynh trong lớp, tổ chức thảo luận rút ra những điểm cơ bản từ "đời nghề" để phụ huynh trực tiếp tư vấn cho học sinh. Các phụ huynh này vừa có kiến thức vừa có lòng yêu thương với các em nên đã chia sẻ tâm huyết, những lời "ruột gan" về nghề của mình.


Khi chọn nghề và chọn trường, học sinh tính toán phù hợp để không "vỡ mộng" vì lựa chọn sai lầm.

Có những trường hợp học sinh chọn nghề chưa phù hợp, nhầm cái mình thích với cái theo đuổi suốt đời, thầy cô sẽ hướng dẫn 'đổi ước mơ'. Có em nghĩ mình sẽ là ca sĩ nổi tiếng nhưng thực tế con có thể thành công trong một công việc khác và vẫn là cây văn nghệ nổi bật trong cơ quan của mình.

"Thông qua các thầy cô giáo chủ nhiệm lớp, chúng tôi lập hồ sơ để tư vấn theo điểm các môn tính theo tổ hợp theo khối các môn thi và xét vào ĐH. Suốt 3 năm, kỳ kiểm tra chất lượng nào trường cũng làm việc cộng điểm theo tổ hợp, thông báo cho phụ huynh và thưởng cho 3 em/lớp có điểm đứng đầu lớp. Với các mức thưởng từ 300.000 – 500.000 đồng.

Cứ như vậy mỗi năm 4 lần, có giá trị nhắc nhở các em "gióng lại" khả năng với ước mong để nỗ lực học tập. Có em thấy thế mạnh nằm ở tổ hợp khác thì ngay từ sau năm lớp 10, các em có thể chuyển ban từ khoa học tự nhiên sang khoa học xã hội hoặc ngược lại", thầy Nhâm cho hay.

Bên cạnh đó, nhà trường sẽ lấy nguyện vọng của con và của cha mẹ riêng. Sau đó đối chiếu để phát hiện chỗ "chênh khác" rồi trao đổi, tư vấn cho phụ huynh và học trò.

Trường tổ chức cho học sinh đi trải nghiệm về nghề tại các cơ sở sản xuất, các làng nghề, các trung tâm thực hành ở các trường ĐH, CĐ. Trong năm, học sinh được đến các trường ĐH để thăm quan, trải nghiệm thực tế cũng như mời đại diện các trường ĐH trong và ngoài nước về để tư vấn về các ngành nghề đào tạo. Qua đó góp phần thắp lên ngọn lửa ước mơ cho các em.

"Chúng tôi làm tất cả với tinh thần không ngừng đổi mới, sáng tạo trong công tác giáo dục hướng nghiệp. Khi được hướng nghiệp hiệu quả, các em sẽ có ý thức trau dồi tìm hiểu nghề, hứng thú và có mục tiêu học tập hôm nay.

Ngay trong tâm trí mỗi em đã mở rõ vùng quan tâm để tích lũy kiến thức và vốn sống thực tế. Như vậy, việc học tập mới thực sự đi cùng với nhu cầu phát triển năng lực. Đó là những gì mà gia đình, xã hội đặt lên hàng đầu và mong chờ ở thế hệ trẻ", Hiệu trưởng trường Phan Huy Chú nhắn nhủ.


Học sinh tham gia các hoạt động trải nghiệm để phát hiện năng lực bản thân phù hợp với nghề nghiệp.

Định hướng nghề từ cấp THCS

Theo nhà giáo Hoàng Ngọc Lan, Hiệu trưởng trường THCS Thụy Phương (Bắc Từ Liêm, Hà Nội), giáo dục hướng nghiệp cho khối 9 được dạy 9 tiết trong một năm học.

Trường cho học sinh khối 8, 9 học 70 tiết nghề phổ thông/năm học, trong đó chú trọng môn Tin học. Việc phân luồng học sinh học nghề giúp cho không để em nào phải dừng việc học sau khi hết cấp THCS.

Trường đã mời giảng viên ở các trường cao đẳng nghề tới tư vấn, giới thiệu cho các em về một số nghề để học sinh có những lựa chọn khác nhau theo lực học của mình và nhu cầu của gia đình. Sự phối hợp giữa thầy cô và phụ huynh đóng vai trò quan trọng để định hướng nghề cho các em.

Tại trường THCS Đông La (Hoài Đức, Hà Nội), học sinh lớp 9 sẽ được học giáo dục hướng nghiệp với từng chủ đề khác nhau.

Ở học kỳ 1 các em sẽ học các chủ đề gồm: Ý nghĩa, tầm quan trọng của việc chọn nghề có cơ sở khoa học; định hướng phát triển kinh tế – xã hội của đất nước và địa phương; thế giới nghề nghiệp quanh ta; tìm hiểu một số nghề của địa phương; thông tin về thị trường lao động.

Các chủ đề của học kỳ 2 sẽ là: Tìm hiểu năng lực bản thân và truyền thống nghề nghiệp của gia đình; hệ thống giáo dục trung học chuyên nghiệp và đào tạo nghề của Trung ương và địa phương (tuyển sinh trình độ THCS trở lên); các hướng đi sau khi tốt nghiệp THCS; tư vấn hướng nghiệp.

Nhà giáo Nguyễn Thị Kim Dung, hiệu trưởng nhà trường cho biết, công tác định hướng nghề là một trong những nhiệm vụ trọng tâm.

Ngoài việc cho học sinh tham gia các hoạt động trải nghiệm để phát hiện năng lực bản thân phù hợp với nghề nghiệp, trường cũng tổ chức cho các em thăm quan một số trường trung cấp, cao đẳng nghề để giúp học sinh định hình rõ hơn về một số nghề nghiệp như điện, cơ khí, cắt may, tin học…

                                                                                                                        Nguồn: dantri.com.vn