Dự thảo Luật Thi đua đang bỏ sáng kiến kinh nghiệm, thầy cô mau lên tiếng ủng hộ

1049

GDVN- Có thể thấy ở các tiêu chuẩn tặng bằng khen Thủ tướng, bộ, ngành, tỉnh ở Dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng mới nhất đã không còn yêu cầu sáng kiến kinh nghiệm.

Ngày 13/8/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 90/2020/NĐ-CP về đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/8/2020.

Trong đó có nội dung nổi bật là quy định đánh giá, phân loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức theo các mức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ không còn yêu cầu có sáng kiến kinh nghiệm như ở các văn bản trước đây.

Đây là tin rất vui với giáo viên cả nước, giáo viên cơ bản sẽ thoát khỏi việc sao chép, cóp nhặt sáng kiến kinh nghiệm,…

Những giáo viên công tác tốt, có nhiều thành tích được tập thể ghi nhận sẽ có thể được xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Việc này có thể chấm dứt tình trạng có giáo viên cả năm cống hiến, đạt nhiều thành tựu dạy giỏi được đồng nghiệp, học sinh, phụ huynh ghi nhận nhưng khi xét thi đua cuối năm không có sáng kiến kinh nghiệm thì chỉ đánh giá từ hoàn thành tốt nhiệm vụ trở xuống.

Cũng có thể chấm dứt tình trạng giáo viên dạy “tàng tàng”, chuyên môn, phẩm chất,… đều hạn chế tuy nhiên có thể nhờ mối quan hệ, nhờ “thủ thuật” có sáng kiến kinh nghiệm đạt nên đương nhiên được xét danh hiệu thi đua chiến sĩ thi đua và đương nhiên được đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Đó quả thật là một bất công trong ngành tồn tại nhiều năm qua.

Nay với việc ban hành Nghị định 90 mới này thì hành triệu giáo viên cả nước vui mừng, cám ơn Chính phủ đã biết lắng nghe, ban hành nghị định mới kịp thời để không còn những tồn tại, bất cập trong việc đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức trong thời gian qua.

Việc đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức rất quan trọng

Chúng ta mỗi năm sẽ có 2 việc khá quan trọng là xét các danh hiệu thi đua như: công nhận chiến sĩ thi đua từ cấp cơ sở đến bộ, ngành, tỉnh; giấy khen Ủy ban nhân dân huyện; bằng khen Thủ tướng Chính phủ, tỉnh, bộ, ngành; các loại huân, huy chương, kỷ niệm chương,…

Việc đánh giá phân loại cán bộ, công chức, viên chức phân thành loại hoàn thành xuất sắc, hoàn thành tốt, hoàn thành và không hoàn thành nhiệm vụ cuối mỗi năm học.

Tuy nhiên, theo tôi việc đánh giá phân loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức có phần quan trọng hơn vì nó sẽ quyết định việc công nhận các danh hiệu cao quý khác như bằng khen Thủ tướng, tỉnh cũng như việc tinh giản biên chế trong năm như quy định nếu 2 năm liền không hoàn thành nhiệm vụ hoặc 1 năm hoàn thành và 1 năm không hoàn thành nhiệm vụ nếu không bố trí được công việc có thể cho tinh giản biên chế,….

Rõ ràng việc đạt các danh hiệu thi đua là điều đáng mừng dựa trên các chỉ tiêu thi đua là điều rất tốt, tuy nhiên để được tập thể ghi nhận và những cống hiến nếu được đánh giá phân loại hoàn thành tốt, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ thì sẽ có phần quan trọng hơn.

Việc đánh giá phân loại cán bộ, công chức, viên chức cũng là cơ sở để được trình khen thưởng các danh hiệu cao quý như bằng khen Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh.

Hiện nay, tặng bằng khen Thủ tướng vẫn cần sáng kiến kinh nghiệm

Như đã nói ở trên, theo quy định mới áp dụng từ 20/8/2020 (áp dụng từ năm học 2020 – 2021), giáo viên cũng như cán bộ, công chức, viên chức khác có thể được xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà không cần có sáng kiến kinh nghiệm mà chỉ cần đạt các yêu cầu trong Nghị định mới trên.

Quy định tặng bằng khen Thủ tướng hiện nay theo Nghị định 91/2017/NĐ-CP có quy định để được tặng bằng khen phải có 05 năm trở lên được đánh giá xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và có 5 sáng kiến trong thời gian trên và đạt các tiêu chuẩn khác.

Còn bằng khen cấp bộ, ngành, tỉnh thì 2 năm liền hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và có 2 sáng kiến kinh nghiệm được công nhận.

Có thể thấy với quy định hiện nay thì dù được đánh giá hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tuy nhiên nếu không có sáng kiến kinh nghiệm thì vẫn không thể nhận được các danh hiệu cao quý như bằng khen Thủ tướng, bộ, ngành, tỉnh.

Sau này, có thể không cần sáng kiến kinh nghiệm vẫn được tặng bằng khen của Thủ tướng, tỉnh

Dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng mới, không cần yêu cầu sáng kiến kinh nghiệm vẫn có thể tặng bằng khen Thủ tướng, bộ, ngành, tỉnh.

Tại dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng dự kiến thông qua tại Quốc hội và dự kiến có hiệu lực từ 2021 thì:

Tại Điều 72. “Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ”

1. “Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ” được tặng hoặc truy tặng cho cá nhân gương mẫu chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và đạt một trong các tiêu chuẩn sau:

a) Có thành tích xuất sắc tiêu biểu, được bình xét trong phong trào thi đua;

b) Đã được tặng Bằng khen cấp bộ, ngành, tỉnh và 5 năm tiếp theo trở lên liên tục hoàn thành tốt nhiệm vụ, trong thời gian đó có 03 lần được tặng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở” hoặc 02 lần được xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ;

c) Lập được thành tích đột xuất trong lao động, học tập, công tác có phạm vi ảnh hưởng và nêu gương trong lĩnh vực thuộc bộ, ngành, tỉnh hoặc lập được thành tích đột xuất, được giải thưởng cao ở khu vực.

Còn tại Điều 73. Bằng khen của cấp bộ, ngành, tỉnh

Bằng khen của cấp bộ, ngành, tỉnh để tặng cho cá nhân, tập thể, gia đình chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, có nhiều thành tích trong các phong trào thi đua và thực hiện nhiệm vụ chính trị, chuyên môn được giao.

Tiêu chuẩn cụ thể do các bộ, ngành, tỉnh quy định và phải được sự đồng ý của cơ quan quản lý nhà nước về thi đua, khen thưởng ở Trung ương.

Có thể thấy ở các tiêu chuẩn tặng bằng khen Thủ tướng Chính phủ, bộ, ngành, tỉnh ở dự thảo Luật thi đua khen thưởng mới nhất đã không còn yêu cầu sáng kiến kinh nghiệm phù hợp với Nghị định mới vừa ban hành.

Nội dung dự thảo hợp lý, phù hợp được giáo viên và cán bộ, công chức, viên chức mong chờ từ rất lâu. Hy vọng khi ban hành chính thức và thực thi sẽ được đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức hợp tình, hợp lý.

Nguồn: Giaoduc.net.vn