Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: “Cần thay đổi hình ảnh của giáo dục thường xuyên”

1337

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ đạo, hệ thống giáo dục thường xuyên (GDTX) tới đây cần thay đổi quyết liệt, để đây không chỉ mang hình ảnh là nơi bổ túc văn hóa, mà nhất định phải gắn với chất lượng.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh vấn đề này khi phát biểu tại Hội thảo khoa học "Trường Đại học với xây dựng và triển khai mô hình Công dân học tập suốt đời – tiếp cận cách mạng công nghiệp lần thứ 4" do Bộ Giáo dục & Đào tạo phối hợp với TƯ Hội Khuyến học Việt Nam tổ chức sáng nay 24/7 tại Hà Nội.

Người dân phải nắm bắt tri thức công nghệ

Theo Phó Thủ tướng, dân tộc Việt Nam từ trước đến chiến thắng rất nhiều thiên tai địch hoạ, có đất nước như ngày hôm nay không chỉ nhờ truyền thống yêu nước, anh dũng, quật cường, chịu thương chịu khó, đặc biệt chúng ta còn có truyền thống hiếu học.

Chúng ta là một dân tộc anh hùng nhưng cũng hết sức nhân văn, ngay trong kháng chiến đã có câu thơ “vai mang gươm, tay mềm mại bút hoa”. Người Việt Nam rất hiếu học và bây giờ chúng ta càng thấy đấy là tài sản quý giá, nhất trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.

“Tranh luận rất nhiều về cuộc cách mạng này từ khái niệm cho đến chúng ta phải làm gì nhưng suy cho cùng, chắc chắn muốn thích ứng, tận dụng được chúng ta phải có một đội ngũ trí thức các nhà khoa học các chuyên gia và quan trọng hơn phải có những người dân nắm bắt được tri thức công nghệ”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lưu ý.

Trước đây, Bác Hồ đã phát động phong trào xóa mù chữ sau Cách mạng tháng 8, bây giờ chúng ta phải xóa mù tri thức công nghệ. Chỉ có cách đấy, dân tộc ta mới nắm bắt được thời cơ của cuộc Cách mạng 4.0, thậm chí là những cuộc cách mạng sau này nữa.

Chúng ta đã đổi mới căn bản toàn diện giáo dục phổ thông theo tinh thần Nghị quyết 29 rất bài bản. Năm nay, nỗ lực đó được đánh dấu bước đầu bằng việc đưa vào chương trình mới, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới.

Dù chưa có chương trình hay sách mới nhưng những năm vừa qua chúng ta đã từng bước chuyển đổi – thay vì học một chiều thành tương tác nhiều hơn, phát huy sức sáng tạo của người học.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại hội thảo (Ảnh: Giáo dục Thời đại).

Phó Thủ tướng chia sẻ: "Điều này, nếu chúng ta nhìn 1 ngày thì không thấy nhưng so 5-10 năm trước đây sẽ thấy rõ. Giáo dục đại học nếu nhìn ngắn 1 năm cũng cảm thấy bình thường nhưng nếu nhìn lại 6 năm thì thấy đã có thay đổi lớn lao, mà tôi nói là thay đổi có tính lịch sử trong giáo dục đại học.

Tôi còn nhớ thời thí điểm Nghị quyết 77 về tự chủ đại học, lúc ấy chỉ có 4 trường, tranh luận rất lớn nhưng chúng ta vẫn quyết liệt thí điểm từ 4 trường rồi lên 10… Bây giờ tự chủ giáo dục và tự chủ đại học đã thành tất yếu.

Nhờ đấy, không chỉ các trường thi đua vươn lên khẳng định uy tín của mình trong nước mà quan trọng sứ mệnh nghiên cứu khoa học (tạo ra tri thức mới) bắt đầu được khơi dậy. Chỉ số đổi mới sáng tạo Việt Nam được nâng lên liên tục nhờ các công bố quốc tế.

Trước đây, chủ yếu là từ các viện của cấp Bộ thì nay có tới 85% công bố quốc tế từ các trường đại học. Trong đó, có những trường uy tín lâu năm như ĐHQGHN, ĐHQGTPHCM, ĐH Bách Khoa HÀ Nội nhưng có trường rất mới như ĐH Tôn Đức Thắng, ĐH Duy Tân. Đây là một cuộc cách mạng".

Cả giáo dục phổ thông và giáo dục đại học có một điểm chung nữa là thi, đánh giá chất lượng. Không chỉ là thi tốt nghiệp THPT, xét tuyển đại học, từng năm một chúng ta vẫn thấy bất cập nhưng nhìn lại 6 năm vừa qua (năm nay là năm cuối cùng của lộ trình ấy) – chúng ta so lại vấn đề thi của những năm 2014 trở về trước… Hôm nay, chúng ta đọc trên mạng vẫn thấy các cuộc thi tương tự như vậy, ở Trung Quốc, Hàn Quốc, căng thẳng đến khốc liệt.

Giáo dục thường xuyên cần có sự chỉ đạo tập trung quyết liệt

Một vấn đề trọng tâm được Phó Thủ tướng đặt ra tại hội thảo là thay đổi hình ảnh về hệ thống Giáo dục thường xuyên trong quan niệm, hình dung của mọi người.

Theo Phó Thủ tướng, Hệ thống giáo dục quốc dân, ngoài giáo dục mầm non, phổ thông, đại học và giáo dục nghề nghiệp còn có giáo dục thường xuyên (GDTX).

Tuy nhiên, GDTX vẫn chưa được đổi mới mạnh mẽ như hệ thống giáo dục từ phổ thông tới đại học, mặc dù Hội Khuyến học Việt Nam và nhiều đơn vị đã rất nỗ lực.

Và điều này đặt ra bài toán trong thời gian tới chúng ta phải nỗ lực mạnh hơn nữa. Mảng GDTX cần có sự chỉ đạo tập trung quyết liệt. Sau khi chúng ta đã có những bước đổi mới rất căn bản của phổ thông, của đại học rồi… Bộ GD&ĐT phối hợp với Bộ LĐ-TB&XH và Vụ GDTX tới đây phải tập trung chỉ đạo vấn đề này.

Khi nói đến GDTX gần như mọi người coi rằng đây là trình độ thấp, chất lượng kém… Phó Thủ tướng nhấn mạnh, phải thay đổi hình ảnh và quan niệm này. 

Tuy nhiên, để thay đổi thì không chỉ GDTX mà giáo dục phổ thông, giáo dục đại học phải tiếp tục đổi mới, phát huy sáng tạo của người dạy và người học; từ đó hình thành thói quen, khát khao học tập suốt đời, học đến khi già. Học, học nữa, học mãi vì sự học không bao giờ cùng như Bác Hồ từng nói. Và phải mang tư tưởng này vào các con trẻ ngay GDPT.

Theo Phó Thủ tướng, GDTX phải thay đổi bằng được, để đây không chỉ là nơi bổ túc văn hóa, mà nhất định phải gắn với chất lượng; đồng thời phải là nơi đáp ứng những người có nhu cầu học đại học. Tuy nhiên vế sau, chúng ta còn chưa làm tốt, thậm chí nhiều trường đại học còn chưa quan tâm.

Dẫn số liệu có đến 80% trung tâm học tập cộng đồng chưa được quan tâm đúng mức, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, sẽ có nhiều việc phải làm trong thời gian tới.

Sau hội thảo này, Bộ GD&ĐT, Hội Khuyến học, Hiệp hội các trường ĐH-CĐ có thể thực hiện thí điểm ở quy mô nhỏ rồi nhân rộng; các trường đại học cần gắn kết hệ thống GDTX ở một số địa phương, để thay đổi quan niệm, hình ảnh về GDTX.

Đại biểu tham dự hội thảo.

“Hệ thống GDTX phải thay đổi bằng được, đây không phải chỉ là nơi để bổ túc văn hoá, mà nhất định phải gắn với chất lượng. Phải kết hợp giữa các trường đại học, trước hết là các trường có chất lượng với địa phương để phát triển GDTX từ bậc thấp nhất cho đến trình độ đại học và phải làm thật chất lượng”, Phó Thủ tướng chỉ rõ.

Ngoài giáo dục, chúng ta cũng phải có tiếng nói cùng Đảng, Nhà nước để thay đổi. Đó là khi sử dụng, đãi ngộ trí thức, đánh giá cán bộ; đánh giá không chỉ căn cứ vào bằng cấp mà cần căn cứ vào trình độ, năng lực thực sự của cán bộ công chức, viên chức.

Năng lực thật phải gắn với thói quen của người Việt Nam (thói quen khoa bảng cũng có mặt rất tốt) và có sự gắn kết hài hòa. Cho nên, xây dựng xã hội học tập, công dân học tập, học tập suốt đời là việc của cả hệ thống chính trị. Ở đâu lãnh đạo địa phương ý thức được việc này thì ở đó xã hội học tập sẽ phát triển.

"Muốn đổi mới phải rất quyết liệt giống như đổi mới cơ chế tự chủ đại học. Chỉ có vậy mới xây dựng được xã hội học tập, công dân học tập, đáp ứng được yêu cầu phát triển đất nước", Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng cho rằng, Việt Nam không phải thừa thầy, thiếu thợ, chúng ta đang thiếu cả hai. Bởi lẽ, tỷ lệ người Việt Nam đi học trình độ cao đẳng, đại học còn thấp so với các nước phát triển. Đây là việc quan trọng, không kém gì thí điểm tự chủ đại học.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, tới đây cần có đề án thí điểm, nếu làm được việc này sẽ lan tỏa đến các địa phương và có sự tham gia của các trường đại học, qua đó góp phần vào đổi mới căn bản toàn diện giáo dục đào tạo thành công, đưa đất nước phát triển trong bối cảnh cuộc CMCN 4.0.

Nguồn: dantri.com.vn