Doanh nghiệp may 1300 công nhân “tuyển” … được AI – Nay chỉ còn 380 người

Doanh nghiệp may 1300 công nhân "tuyển" ... được AI - Nay chỉ còn 380 người

539

(Dân trí) – Một công ty may nhà máy vốn phụ thuộc vào hơn 1.300 công nhân nay thành “doanh nghiệp không bàn giấy” khi ứng dụng công nghệ, cắt giảm 70% nhân công, có thể tăng lương để giữ chân nhân sự chủ chốt.

Từ một công ty phải phụ thuộc vào hơn 1.300 công nhân ở nhà máy, Việt Thắng Jean đã trở thành một trong những đơn vị hàng đầu trong cuộc cách mạng công nghiệp, cắt giảm gần 70% nhân công, giữ được nhân sự chất lượng cao, tăng lương, tăng năng suất, lợi nhuận.

1.200-1.300 là số công nhân tối thiểu làm việc ở nhà máy Việt Thắng Jean (VITAJEAN) từ năm 1998. Để vận hành bộ máy với lượng nhân công rất lớn ấy, ông Phạm Văn Việt – Chủ tịch HĐQT Công ty – nhận định “đó là bài toán chi phí vô cùng nan giải”.

Từ thế bị động ngày ấy, giờ đây, dây chuyền sản xuất của VITAJEAN chỉ còn 380 người khi nhà máy có sự góp mặt của AI – trí tuệ nhân tạo.

Hằng ngày, tiếng máy móc vận hành đều đặn, tay rô-bốt thao tác chính xác theo những yêu cầu được lập trình sẵn, khiến ông chủ nhà máy may vô cùng hài lòng.

Đi sâu hơn vào xưởng sản xuất, công ty của ông Việt gây bất ngờ hơn khi cả một doanh nghiệp rầm rập làm việc không cần “bàn giấy”. Điều này có nghĩa là mọi khâu quản lý đều nằm ở một nút chạm trên màn hình điện tử.

Ngay cả công nhân làm việc trực tiếp trên chuyền cũng chỉ cần nhìn đồng hồ điện tử gắn tại đó mà kiểm tra số lượng, chất lượng hàng hóa, thậm chí có thể tự tính lương cho mình thông qua sản lượng.

“Mọi dây chuyền sản xuất trong nhà máy đã giảm 60-70% nhân sự, tiết kiệm rất nhiều chi phí về nhân công, mặt bằng, điện, nước và tốc độ khấu hao cũng nhanh hơn. Ngoài ra, dù số lao động giữ lại chỉ còn 32%, sản lượng lại tăng gấp 3-4 lần so với trước. Có những dây chuyền chỉ cần 3 năm vận hành là thu hồi vốn”, ông Việt nói.

Nhờ sự thay đổi ấy, vị Chủ tịch mừng rỡ khi nhà máy dần có khả năng cạnh tranh với Trung Quốc, Bangladesh, Ấn Độ,…

Trong bối cảnh các công ty cùng ngành đang khao khát đơn hàng, ông Việt cảm thấy may mắn khi nhà máy của mình vẫn duy trì được khoảng 90% công suất hoạt động. Các thị trường xuất khẩu vẫn ổn định đơn hàng tại các thị trường như Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia,…

Để đi đến những thành công bứt phá nói trên, ông Việt và công ty đã trải qua nhiều giai đoạn khó khăn, đứng trước những thách thức lớn.

“Không phải ai cũng đủ can đảm. Chỉ có 70% thành viên trong công ty đồng ý để máy móc thay thế hầu hết các công việc của con người”, ông Việt cho hay.

Theo ông Việt, công ty gặp nhiều trở ngại về vốn. Bởi để vận hành một dây chuyền sản xuất 10.000 sản phẩm phải tiêu tốn khoảng 12 triệu USD. Toàn bộ máy móc phải nhập từ nước ngoài, cụ thể là châu Âu nên ngay cả việc bảo trì, bảo dưỡng cũng phụ thuộc và chờ đợi thiết bị từ nước ngoài về.

“Bên cạnh đó, công nhân từ trước đã quen ngồi làm việc, nay ứng dụng công nghệ vào thì buộc phải… đứng. Thay đổi tưởng chỉ đơn giản đó những bắt buộc phải đào tạo lại, để người lao động làm quen dần với máy móc công nghệ cao”, ông Việt nói.

Là người tiên phong trong việc đưa công nghệ vào sản xuất ở lĩnh vực may mặc, vị chủ tịch thừa nhận, thị trường chưa theo kịp cũng là một trong những vấn đề nan giải thời điểm đó.

“Khi gặp khó khăn, thứ chúng tôi cần chính là sự nỗ lực và thời gian. Sau một thời gian chuyển giao, kiên nhẫn đào tạo, giờ đây nhà máy có thể hoạt động trơn tru, mọi khâu, mọi việc đều do người Việt điều hành”, ông Việt cho hay.

Tương tự, công ty TNHH Poong In Vina cũng vừa vượt “bão” nhân lực nhờ ứng dụng công nghệ vào sản xuất, trong bối cảnh lượng lớn công nhân về quê vì dịch Covid-19.

Ông Lê Vũ Hồng Quân, trưởng phòng nhân sự, cho biết ở thời điểm các dây chuyền sản xuất còn phụ thuộc 100% vào con người, nhà máy gặp không ít khó khăn. Bởi chỉ cần một trong những nhân sự phụ trách mỗi khâu vắng mặt, năng suất của cả dây chuyền lập tức bị ảnh hưởng.

“Sau giai đoạn Covid-19, người lao động rời thành phố, trở về quê dẫn tới việc nhà máy thiếu hụt nhân công, nhà máy có đơn hàng mà không tìm được người làm”, ông Quân chia sẻ.

Nhận thấy điều đó, năm 2022, ban giám đốc công ty đã quyết định đầu tư, áp dụng nhiều công nghệ tự động vào sản xuất. Đơn cử, các khâu như cắt, ủi, đóng gói,… sẽ hoàn toàn do máy móc tự động đảm nhận.

Dần dà, công ty cũng chủ động tiếp cận được xu thế mới trong sản xuất; đảm bảo chất lượng sản phẩm, làm chủ được thời gian hoàn thiện, từ đó làm chủ được lịch sản xuất và xuất hàng. Ngoài việc giảm được chi phí nhân công, nhà máy không còn phụ thuộc quá nhiều vào nguồn lao động phổ thông mà chỉ cần lựa chọn, đào tạo để lao động kỹ thuật làm quen với việc áp dụng và vận hành máy móc.

“Năng suất tăng so với trước. Áp dụng công nghệ, dây chuyền tự động, nhà máy nâng cao được năng lực cạnh tranh với các đối thủ khác, đáp ứng được những đơn hàng khó, yêu cầu công nghệ cao từ khách hàng”, trưởng phòng nhân sự cho hay.

Tại Việt Nam, AI tràn tới khiến nhân sự trong nhiều ngành đứng trước nguy cơ bị thay thế.

Anh Ka Nguyễn (30 tuổi, ngụ tại quận 2, TPHCM), làm việc trong lĩnh vực voice talent (tạm dịch – giọng nói tài năng) hơn 10 năm, cho biết, công việc bị đe dọa nghiêm trọng khi có sự xuất hiện của AI.

“Các công ty không thuê chúng tôi thuyết minh, lồng tiếng nữa mà chọn giọng đọc AI. Các bản tin, sách nói, thuyết minh phim… đều dần xuất hiện giọng đọc máy. Mặc dù chất lượng không được như người thật nhưng các đơn vị vẫn bất chấp, vì chi phí cho giọng đọc AI rất rẻ”, anh Ka nói.

Tại Việt Nam, AI tràn tới khiến nhân sự trong nhiều ngành đứng trước nguy cơ bị thay thế.

Anh Ka Nguyễn (30 tuổi, ngụ tại quận 2, TPHCM), làm việc trong lĩnh vực voice talent (tạm dịch – giọng nói tài năng) hơn 10 năm, cho biết, công việc bị đe dọa nghiêm trọng khi có sự xuất hiện của AI.

“Các công ty không thuê chúng tôi thuyết minh, lồng tiếng nữa mà chọn giọng đọc AI. Các bản tin, sách nói, thuyết minh phim… đều dần xuất hiện giọng đọc máy. Mặc dù chất lượng không được như người thật nhưng các đơn vị vẫn bất chấp, vì chi phí cho giọng đọc AI rất rẻ”, anh Ka nói.

Ngoài các bản tin, phim thuyết minh, AI còn khiến cho anh Ka “choáng ngợp” khi bắt đầu góp giọng trong các chương trình sách nói – nơi cần giọng đọc có khả năng nhấn nhá, truyền cảm.

“Không những vậy, tôi còn xem qua một bản tin được dẫn bởi một người dẫn chương trình ảo. Tôi bàng hoàng, từng cử chỉ, giọng nói của “MC” AI đó… chỉ có người trong ngành hoặc ai để ý lắm mới phát hiện ra không phải người thật”, anh Ka nói.

Chàng trai chua chát chia sẻ, bản thân cảm thấy hụt hẫng khi bản thân và nhiều đồng nghiệp bị các đối tác từ chối vì đã chọn mua/thuê AI để thay thế, vì lý do tiết giảm chi phí.

“Ở ngành nghề khác, tôi không phủ nhận ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào sản xuất có thể mang đến cơ hội việc làm, giúp công việc có thể tốt hơn. Nhưng ở ngành này, AI đang cướp việc của chúng tôi!”, chàng trai nói.

Từ một voice talent có thu nhập 40-50 triệu đồng/tháng, thậm chí có thể lên đến hàng trăm triệu đồng, anh Ka Nguyễn giờ đây đã phải tính tìm thêm một công việc khác, chuyển đổi dần bởi anh sợ nghề của mình sẽ sớm bị “xóa sổ”.

Anh Hoài Anh, một voice talent đang làm việc tại Đài tiếng nói nhân dân TPHCM, cũng nhận định, lĩnh vực này hiện ghi nhận sự ứng dụng rộng rãi công nghệ giọng nói. Dù vậy, bản thân anh chưa bị và cũng chưa chứng kiến việc đồng nghiệp bị máy đọc thay thế hoàn toàn.

Lý do, theo Hoài Anh, voice-AI vẫn chỉ dừng lại ở việc đọc không vấp, chứ chưa thể diễn cảm hay biểu đạt cảm xúc tốt như giọng đọc của người thật. Song nam phát thanh viên vẫn không phủ nhận thách thức cạnh tranh trong thời gian tới.

“AI có “cướp” việc hay không phụ thuộc vào người làm nghề. Theo tôi, công nghệ tạo cơ hội cho các voice talent nhận thức được việc phải không ngừng nâng cao, học hỏi và trau dồi kỹ năng chuyên môn hơn và có sự hiểu biết về voice-AI hơn mới không sợ bị thay thế”, anh Hoài Anh cho hay.

Dù thừa nhận việc đã thải bỏ số lượng lớn công nhân tại nhà máy sau khi “thửa” AI về, ông Phạm Văn Việt vẫn phải thẳng thắn cho rằng trí tuệ nhân tạo đang tạo ra nhiều cơ hội mới.

Theo ông Việt, AI sẽ thay thế nhiều người lao động trên toàn thế giới. Tuy nhiên, sự thật là con người đang dần chuyển từ “chạy theo công nghệ” sang “quản lý công nghệ”.

“Đó là cơ hội cho những người làm việc thực thụ, có sự sáng tạo, đổi mới. Các công việc lặp lại theo quy trình nay đều có thể thực hiện bằng máy móc. Điều đó đòi hỏi con người phải nâng cao trí tuệ và cả tay nghề của mình”, ông Việt nói.

Vì thế, trước những tác động và thách thức to lớn từ AI, ông Việt càng khẳng định rằng đây là cơ hội để đào tạo được nguồn nhân lực chất lượng cao.

Ông Lê Vũ Hồng Quân cũng cho rằng, trong tương lai, khi con người làm chủ được công nghệ thì rất có khả năng người lao động sẽ tăng thu nhập và nâng cao giá trị bản thân.

Về phía các doanh nghiệp nói chung, ngành may mặc nói riêng, công nghệ hiện đại sẽ giúp nhà máy quy hoạch và tối ưu hóa lại nguồn lao động. Điều này đồng nghĩa với việc người lao động sẽ ngày càng được “nâng cấp” chứ không bị thay thế toàn bộ.

  1. TSKH. Hồ Đắc Lộc viết trên tạp chí Khoa học & công nghệ Việt Nam, dự đoán từ năm 2016 đến năm 2030 sẽ có 10-800 triệu người mất việc làm do tự động hóa và ứng dụng AI.

Tuy nhiên, công nghệ đồng thời sẽ tạo ra hơn 1 tỷ công việc với điều kiện phải có tay nghề chất lượng cao, đáp ứng được những yêu cầu hoàn toàn mới của xã hội hiện đại.

Vì vậy, thách thức lớn nhất chính là sự cấp thiết về giáo dục, đào tạo nhân lực đáp ứng nhu cầu cao ấy. Điều này cần sự phối hợp đồng bộ từ Chính phủ, bằng các biện pháp hỗ trợ thông qua chính sách, đầu tư cho giáo dục.

Nhận thấy tính cấp thiết ấy, tại Việt Nam, ngày 26/01/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 127/QĐ-TTg về Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI đến năm 2030.

Chiến lược đưa ra mục tiêu “đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI, đưa AI trở thành lĩnh vực công nghệ quan trọng của Việt Nam trong Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, góp phần phát triển kinh tế – xã hội và từng bước đưa Việt Nam trở thành điểm sáng về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI trong khu vực và trên thế giới.

Đồng thời, chính phủ cũng đã ban hành quyết định số 749/QĐ-TTg, phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đây là chương trình xác định mục tiêu kép là vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực đi ra toàn cầu.

Được biết, Bộ Kế hoạch và đầu tư cũng đang phối hợp cùng các cơ quan ban, ngành kết nối các quỹ đầu tư quốc tế và trong nước cam kết đầu tư cho các công ty khởi nghiệp, tạo cơ hội phát triển thông qua công nghệ 4.0 và trí tuệ nhân tạo.

Trong báo cáo của TOPICA năm 2018, các công ty khởi nghiệp Việt Nam đã nhận được 889 triệu USD đầu tư trong 92 thương vụ với các quỹ đầu tư trong và ngoài nước, gấp 3 lần so với năm 2017 và gấp 6 lần năm 2016.

Đáng chú ý, năm 2019, 18 quỹ đầu tư cũng đã cam kết 425 triệu USD (khoảng 10.000 tỷ đồng) cho các công ty khởi nghiệp của Việt Nam trong 3 năm.

Theo Dân Trí